-
10-22-2015, 07:00 AM #1
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
FDI dệt may: Càng phình to, càng thêm lo!
Làn sóng nở rộ các khu công nghiệp dệt may của các doanh nghiệp FDI đón đầu TPP, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo về nguy cơ ô nhiễm, công nghệ cũ, tốn nhiều năng lượng.…Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các địa phương không tỉnh táo, cố chạy theo thành tích thu hút đầu tư dệt may?
Từ đầu năm đến nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cả nước đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là số doanh nghiệp FDI dệt may đã chiếm gần 1/3 số vốn đầu tư này.
Làn sóng đầu tư lớn vào ngành dệt may của khối ngoại là điều đáng mừng, nhưng với nhiều nguy cơ đang hiện hữu, các cơ quan quản lý và ngay chính các doanh nghiệp may mặc nội địa cũng không khỏi băn khoăn, e ngại.
Đủ thứ lo
Trong động thái mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi công văn đến các địa phương khuyến cáo việc thành lập, thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp dệt may.
Vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo lắng chính là các khu công nghiệp dệt may của khối FDI đầu tư để đón đầu TPP đang phát triển thành khu sản xuất tập trung các sản phẩm dệt may, gồm sản xuất nguyên phụ liệu, xơ sợi, dệt nhuộm đến hoàn tất vải.
Trong đó, khâu sản xuất nhuộm, dệt nhuộm có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước khá cao, cộng thêm máy móc, công nghệ cũ là hai nỗi lo lớn nhất.
Giới chuyên gia môi trường cho biết: công đoạn nhuộm và hoàn tất vải là những công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD), các kim loại nặng độc hại, các chất rắn lơ lửng… cũng như độ màu rất cao.
Thực ra, nguy cơ gây ô nhiễm của các doanh nghiệp FDI dệt may đã được đề cập từ vài năm nay. Có giai đoạn, nhiều địa phương đã cương quyết nói không với khối ngoại muốn nhảy vào lĩnh vực này.
Thế nhưng, sau thời gian lắng xuống, trước thông tin Việt Nam gia nhập TPP, nguồn vốn FDI dệt may lại ồ ạt đổ vào nhờ vào sự ưu đãi, dễ tính ở một số tỉnh thành.
Một số địa phương cho rằng các dự án dệt may mới cấp phép trong năm 2015 là những dự án cao cấp được địa phương sàng lọc kỹ, có vốn đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng lao động ở mức vừa phải chứ không phải những dự án dệt may gia công như trước kia.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi, có gì để đảm bảo trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp FDI không gây ô nhiễm và đưa vào sử dụng công nghệ đã sử dụng, nhất là khi cơ chế giám sát của các địa phương còn lơ là, chủ quan?
Để sớm thu hồi vốn đầu tư, khối FDI chưa hẳn đã chọn công nghệ hiện đại nhất mà vẫn có thể du nhập máy móc thiết bị công nghệ xuất xứ Trung Quốc còn mới hoặc đang sử dụng. Và nguy cơ ô nhiễm từ công nghệ dệt may Trung Quốc là chuyện hiển nhiên.
Ngoài ra, khi các khu công nghiệp dệt may có vốn FDI ồ ạt ra đời sẽ kéo theo một nguồn nhân lực khá lớn. Đây cũng là lúc phát sinh khá nhiều vấn đề, từ chuyện ăn ở, sinh hoạt và an ninh trật tự.
Và ngay vấn đề sai phạm về lao động trong ngành dệt may nói chung và khối FDI dệt may nói riêng vẫn còn rất phức tạp. Nhất là mới đây, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố kết quả thanh tra tại 152 doanh nghiệp dệt may trên toàn quốc đã phát hiện hơn 1.700 sai phạm tại các doanh nghiệp này.
Hiện nay, với khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may và trên 2,5 triệu lao động, nỗi lo thường trực về vi phạm lao động trong lĩnh vực dệt may sẽ khó tránh khỏi, không riêng gì khối FDI.
Làm 'chuyện đã rồi'
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng 2015, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đã lên gần 17 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng lưu ý là doanh nghiệp FDI dệt may hiện đang kiểm soát đến 67% kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều ý kiến nói rằng khi tham gia TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn. Nhưng sẽ hưởng gì khi nền tảng phát triển dệt may nội địa còn mỏng manh, bị che khuất bởi khối FDI?
Sự nở rộ khu công nghiệp dệt may của khối FDI sẽ là nguy cơ khiến các doanh nghiệp may mặc nội địa khó tiếp cận được đơn hàng gia công trực tiếp từ nước ngoài, thậm chí có thể rơi vào tình huống làm gia công từ chính các doanh nghiệp FDI.
Nhìn vào số vốn hàng tỷ USD mà khối FDI rót vào ngành dệt may trong thời gian qua cho thấy đã đến lúc các địa phương cần sàng lọc các dự án đầu tư mới, thay vì cố chạy theo thành tích đầu tư.
Trong văn bản mới đây gửi các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc nhở việc đầu tư xây các khu công nghiệp dệt may phải đáp ứng tỷ lệ lấp đầy, đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ và môi trường theo quy định.
Ngoài ra, UBND các địa phương cần xây dựng kế hoạch giám sát và đặc biệt 'khi cấp giấy chứng nhận đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ quy trình thẩm tra, trong đó chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án'.
Muốn giám sát hiệu quả thì lẽ ra ngay từ đầu các địa phương phải xây dựng chi tiết các tiêu chí kỹ thuật, kiểm soát công nghệ đầu vào, chứ không phải như tình trạng hiện nay là ưu ái cấp giấy chứng nhận cho đầu tư xây dựng, chấp thuận đem dây chuyền công nghệ nước ngoài đi vào hoạt động rồi mới tổ chức giám sát khi mọi chuyện đã rồi!
Thế Vinh
Theo stockbiz.vnView more random threads:
- "Phải làm rõ chuyện tăng thuế môi trường "đẩy" giá xăng tăng"
- Bộ trưởng Công Thương: 'Nông sản ùn ứ, không thể trách nông dân'
- Tăng thuế lên giá, hối nhau đi mua ôtô
- Bản tin kinh tế trong ngày 11/10/2015
- Đàm phán TPP: Các nước dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp
- Với 12.600 tỷ nợ thuế của doanh nghiệp, ngân sách có thể làm gì?
- Mua 100.000 tiền xăng đóng 54.700 đồng thuế phí
- Cả nước có thêm 43 doanh nghiệp cổ phần hoá sau 4 tháng đầu năm
- Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất lùi thời hạn thu phí các trạm BOT
- Khối ngoại "thao túng" thức ăn thuỷ sản
Khu đô thị 389 Dream Home được phát triển bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng 389 không khí trong lành giá cạnh tranh công viên trung tâm. bán căn hộ 389 Dream Home không khí trong...
389 Dream Home mảng xanh đắt giá...