Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 ước đạt bình quân 5,9%/năm, với quy mô GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD.



Con số trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày trong “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015” tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sáng ngày 20/10.



Đánh giá chung về giai đoạn 5 năm qua, Thủ tướng cho biết lạm phát đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.



Cụ thể, lạm phát đã giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống khoảng 2% năm 2015 – mức thấp nhất 15 năm qua.



Mặt bằng lãi suất giảm, với lãi suất năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011. Dư nợ tín dụng năm 2015 ước tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011. Bên cạnh đó, tỷ giá được điều chỉnh phù hợp, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, niềm tin vào đồng VND tăng, khắc phục một bước được tình trạng vàng hóa, USD hóa trong nền kinh tế.



Xuất khẩu trong giai đoạn này tăng 18%/năm, và tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo tăng mạnh. Nhập khẩu tăng 15%/năm. Tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống 3,6% năm 2015.



Nhập siêu giảm giúp cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thặng dư khá cao. Dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt cao nhất từ tước tới nay.



Về ngân sách nhà nước, Thủ tướng cho biết tuy thu ngân sách từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu năm 2015 vẫn tăng 7,4%, và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, như chủ yếu tăng chi cho con người và đảm bảo an sinh xã hội. Bội chi ngân sách vào khoảng 5,5% GDP/năm.



Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển. Đến hết 2015%, nợ công ước tính vào khoảng 61,3% GDP, nợ chính phủ khoảng 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.



Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2% GDP.



Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%, còn vốn ODA giải ngân đạt 24 tỷ USD, tăng 70,5%.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối của giai đoạn 5 năm 2011-2015.



Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, mức cao nhất trong 5 năm qua và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 5,9%/năm, trong đó công nghiệp xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm.



Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tiếp tục tăng, với GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD. Riêng công nghiệp chế biến chế tạo trong năm 2015 tăng 10,6%.



Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được tăng lên. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 48,4% xuống 45% tổng lao động xã hội.



Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 28,94%/năm. Năng suất lao động tăng 3,85%/năm.



Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm, loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%/năm. Riêng năm 2015, tổng mức bán lẻ tăng 8,7%, cao nhất kể từ 2011.



Số doanh nghiệp đang hoạt động hiện là 525.000, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% với vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước.



Khách quốc tế 2015 đạt khoảng 7,9 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với 2010.



Trước đó, thủ tướng cho biết, kể từ năm 2011, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều nơi. Trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn, thiên tại dịch bệnh gây thiệt hại lớn, trong yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng ngày càng cao.



Ngoài ra, giá dầu giảm sâu, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá mạnh, một số nền kinh tế lớn giảm tốc, và đặc biệt là căng thẳng ở Biển Đông cũng đã tác động đến kinh tế đất nước.



Do đặt mục tiêu cao cho giai đoạn 2011-2015 sau khi đạt tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2006-2010, Chính phủ sau đó đã phải điều chỉnh mục tiêu kinh tế xã hội theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập kinh tế.



Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn