Bên ủng hộ nhận định đây là cách làm tiến bộ, công bằng, trong khi những ý kiến phản đối lại cho rằng giải pháp chỉ thích hợp khi có thị trường cạnh tranh thực sự.



Mang chủ đề tương đối rộng là Cơ sở khoa học của cách tính giá điện song đa số ý kiến tại hội thảo do Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật tổ chức ngày 16/10 chỉ tập trung vào phương án tính giá điện một mức hay theo lũy tiến bậc thang mà Tập đoàn Điện lực (EVN) và Bộ Công Thương đang xây dựng. Trước đó, ngành điện đưa ra một số lựa chọn từ bán điện đồng giá (tương đương mức bình quân hiện hành là 1.747 đồng mỗi kWh) hoặc rút ngắn các bậc thang từ 6 xuống 3-4 bậc, song vẫn nghiêng về các phương án bậc thang.



Theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, việc đơn vị tư vấn cho EVN cho rằng phương án bán điện đồng giá không được đánh giá cao vì không khuyến khích tiết kiệm là chưa thuyết phục. 'Chỉ đại gia mới không tiết kiệm, chứ người dân, như các giáo sư ngồi đây, lương có cao đi nữa thì cũng không vì thế mà lãng phí. Trừ khi ai đó dùng 'tiền chùa'', bà An nói.



Do vậy, nữ đại biểu nghiêng về phương án bán điện đồng giá và kiến nghị Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho người nghèo nếu chọn phương án này.



Chia sẻ quan điểm, Giáo sư Nguyễn Hữu Tăng (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật) nhìn nhận việc chia nhiều bậc thang trong hoàn cảnh thiếu điện có thể hợp lý, song nếu nguồn cung đã dư thì không nên tiếp tục duy trì chính sách này. “Nhược điểm của việc chia biểu giá nhiều bậc là nguy cơ tham nhũng, vì việc tính toán diễn ra trong nội bộ ngành điện, dân không giám sát được. Chưa kể việc giám sát ghi chỉ số thôi cũng khó, bởi cột điện treo trên cao, không phải người dân nào cũng trèo lên được”, ông nói.



Bên cạnh đó, chuyên gia này, duy trì biểu giá nhiều bậc không có ý nghĩa tiết kiệm với người nghèo, bởi họ luôn có ý thức này trong mọi trường hợp, không cần phải kêu gọi. Ngoài ra, việc một người dùng 2 số điện lại phải chịu những mức giá khác nhau cũng được Giáo sư Tăng đánh giá là 'bất bình đẳng'. 'Theo tôi chính sách đồng giá là tiến bộ nhất', ông nêu quan điểm.



Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đề nghị làm rõ mức giá 1.747 đồng nếu áp dụng phương án này (ngang bằng giá bán điện bình quân hiện nay), bởi nếu tính cả thuế, số tiền người tiêu dùng phải chi sẽ lên gần 2.000 đồng mỗi kWh. “Nếu bán đồng giá mà mức thấp hơn một chút, tôi tin người dân sẽ ủng hộ”, vị Giáo sư đề xuất.



Trái với những quan điểm nêu trên, Phó giáo sư Bùi Huy Phùng – Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng lại cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp để tiến đến thị trường điện cạnh tranh, nên cần duy trì biểu giá điện bậc thang. “Thậm chí càng nhiều bậc thang càng tốt vì theo nguyên tắc toán học thì càng chia nhỏ, đô khập khiếng càng ít đi”, ông Phùng nói. Vị chuyên gia năng lượng cũng phản bác các ý kiến cho rằng nhiều bậc thang sẽ khó quản lý.



Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Hội Điện lực - Giáo sư Trần Đình Long cho rằng việc ghi công tơ là ghi số cuối cùng, nên việc có bao nhiêu bậc thang không ảnh hưởng tới quản lý. “Tuy nhiên, đúng là người tiêu dùng không muốn nhiều bậc thang, vì ít bậc thì dễ nhớ, dễ hiểu để điều chính mức sử dụng”, ông Long nói.



Từ đó, đại diện Hội Điện lực cho rằng, vấn đề đặt ra là phải xây dựng các bước nhảy sao cho đều, số chẵn để người dùng dễ nhớ, dễ tính toán. “Còn áp dụng một bậc là lý tưởng trong điều kiện ta có thị trường điện cạnh tranh vào năm 2024”, Giáo sư Long bình luận.



Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế cho rằng biểu giá hiện nay phức tạp ở chỗ lúc số lẻ, lúc số chẵn. Thời điểm ghi chỉ số công tơ cũng tùy tiện, không thống nhất khiến dân bức xúc. Ông Thái cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần đứng ra chủ trì lấy ý kiến khi thay đổi biểu giá, chứ không phải giao hết cho EVN để đảm bảo toàn diện, khách quan.



Tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Đinh Thế Phúc cho biết trong 3 phương án (bán điện đồng giá, giữ nguyên biểu giá như hiện nay và rút ngắn xuống còn 3-4 bậc) vừa được EVN lấy ý kiến ở 3 miền thì việc rút ngắn bậc thang nhận được nhiều ủng hộ hơn cả. Ông Phúc cho biết đây cũng là phương án mà lãnh đạo Bộ Công Thương từng gợi mở trước khi yêu cầu các đơn vị chức năng dự thảo lại phương án biểu giá mới, thay vì 6 bậc hiện nay.



Chí Hiếu










Theo stockbiz.vn