Được mệnh danh là 'nhạc trưởng' trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp-doanh nhân gần đây tuyên bố chuyển hướng sang các dự án nông nghiệp. Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), hãy bàn về sự dấn thân, một phẩm chất không thể thiếu của doanh nhân, khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đầy khó khăn nhưng cũng nhiều tiềm năng phát triển bền vững.



Đầu tư vào nông nghiệp, quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là nông nghiệp qui mô lớn đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ tài chính mạnh, khoa học kỹ thuật giỏi và thời điểm đầu tư.



'Phong trào' đầu tư vào nông nghiệp qui mô lớn được trải nghiệm bởi Hoàng Anh Gia Lai từ nhiều năm qua. 'Cú hích' lớn này đã mang về những 'mùa vàng bội thu' cho công ty từ bò, mía đường, cọ dầu, cao su… Hoàng Anh Gia Lai đã trả giá khá đắt về việc đầu tư cao su qui mô lớn, khi giá sụt giảm. Tuy nhiên, các dự án từ trồng bắp, nuôi bò lại đem đến giá trị vượt trội về doanh thu, nên đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.



Sức hấp dẫn của nông nghiệp



Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết khó khăn chủ yếu khi muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là chính sách. Chẳng hạn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất chuyên dùng cho một loại cây nông nghiệp nào đó mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.



Mới nhất, công ty Thế giới di động vừa công bố chuỗi bách hóa xanh (BHX) sẽ ra mắt người tiêu dùng vào tháng 11 tới. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế giới di động, cho biết: 'Các cửa hàng BHX sẽ nằm gần khu dân cư, trong những hẻm nhỏ có dân sống đông đúc. Với tiêu chí mua nhanh, mua rẻ, khách hàng mua thực phẩm ở chợ như thế nào thì sẽ mua được ở BHX như vậy. Giá bán sẽ bằng hoặc thấp hơn so với các cửa hàng tiện lợi như Satrafoods, Co.op Food, C Express'.



Chuyện mớ rau, con cá, cửa hàng, siêu thị…trong bữa ăn trở thành vấn đề đại sự của các 'đại gia' bàn bạc, phân chia thị phần. Với sự đổi hướng và đổ vốn ồ ạt của nhiều tập đoàn tư nhân lớn, ngành nông nghiệp có những kỳ vọng để thay đổi.



Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, cũng 'xắn quần' trồng rau để… làm giàu. Tập đoàn Vingroup tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco, vốn điều lệ lên đến 2.000 tỷ đồng.



Phương diện đầu tiên Vingroup hướng tới là tập trung vào sản xuất rau quả hữu cơ và rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm làm ra được khép kín từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển phân phối và sẽ được đưa ra thị trường thông qua hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+.



Tập đoàn TTC đã đầu tư hơn 20 triệu USD để xây dựng nhà máy nước dừa và sữa dừa với công suất dự kiến 24 triệu lít/ năm, theo công nghệ tiên tiến của Thụy Điển. Ngoài ra, tập đoàn cũng vừa đầu tư sản xuất sản phẩm nước cất từ hương mía theo công nghệ ngưng tụ hơi nước.



Ông Đặng VănThành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, lý giải theo lộ trình hội nhập ngành mía đường của Việt Nam với ASEAN, ngành này sẽ đối mặt với những thử thách khi thời điểm giảm thuế suất đường nhập khẩu về 5% vào năm 2018.



'Vì vậy chiến lược của TTC từ nay đến năm 2020 sẽ cùng với chính quyền địa phương, nông dân ổn định vùng nguyên liệu. Đồng thời, chỉ có áp dụng khoa học kỹ thuật, kiện toàn công tác nông nghiệp như tưới tiêu, thí điểm cánh đồng mẫu lớn, cải tạo giống mía… mới có thể giúp ngành đường Việt Nam nâng sức cạnh tranh' – ông Thành nói.



Cơn sốt thị trường nông nghiệp?



Trước sự việc nhiều 'đại gia' đổ tiền vào ngành nông nghiệp nhiều chuyên gia cho rằng đây là tin vui đối với hàng triệu nông dân Việt Nam. Bởi, khi có nguồn vốn 'tiếp sức' từ các ông chủ lớn, các sản phẩm nông sản của bà con nông dân làm ra sẽ được nâng cao về giá trị, chất lượng và không còn phải đối diện với nỗi lo sản phẩm bị ép giá hay được mùa mất giá, được giá mất mùa như hiện nay.



'Không có doanh nghiệp thì nông dân không phát triển được, muốn tiến dài thì vốn là điều rất quan trọng', Gs-Ts Nguyễn Lân Hùng trao đổi với phóng viên khi nói về xu hướng các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đổ nhiều tiền vào nông nghiệp.



Gs-Ts Võ Tòng Xuân lại cho rằng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần phải đầu tư bài bản, chắc chắn thì sẽ có nhiều cơ hội để DN phát triển, nông dân cũng được hưởng lợi. 'Tôi nghĩ đây là cách làm rất hay, cần khuyến khích ngày càng nhiều DN như thế để làm tăng năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Lâu nay, nông dân sản xuất nhỏ lẻ, DN làm ăn chụp giật không những không tạo được thương hiệu mà nông dân còn chịu thiệt', Gs Xuân chia sẻ.



Các công ty chuyển dịch kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn liền với tiêu dùng. Năng suất hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn và rẻ hơn. Việt Nam hội nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến cho cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp trở nên cực kỳ khốc liệt.



Chỉ những doanh nghiệp nào xây dựng được sản phẩm chất lượng có thương hiệu riêng, tạo lập được một chuỗi sản xuất- tiêu thụ vững chắc, thì mới có cơ hội tồn tại và phát triển trong bối cảnh này.



Việt Nam sẽ có những tập đoàn mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa tận dụng được thế mạnh của đất nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân, đưa đất nước phát triển và tạo thêm công ăn việc làm cho người nông dân.







Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty CP Chăn nuôi chế biến và XNK

-------------------------------


Cái thiếu lớn nhất hiện nay của nông nghiệp Việt Nam không phải là số lượng, khối lượng mà là chất lượng sản phẩm. Hàm lượng công nghệ, sinh học đầu tư cho nông nghiệp còn quá thiếu thốn. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ có thế nông nghiệp mới có thể phát triển.<br style='line-height: 20.8px;'>


Ông Đàm Quang Thắng - Giám đốc công ty TNHH Agricare Việt Nam

-------------------------------


Nông sản Việt có chất lượng tương đối tốt so với mặt bằng chất lượng lương thực thế giới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều DN muốn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhưng lại ngại thủ tục, giấy tờ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách linh hoạt, tạo điều kiện cho DN ứng dụng khoa học vào nông nghiệp. Vấn đề liên kết giữa DN với các nhà sáng chế và nông dân cũng hết sức quan trọng. Đặc biệt là mối liên kết giữa DN và nông dân.



Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông

-------------------------------

Nông nghiệp Việt Nam đang thực sự 'mở cửa'. Ngoài những thách thức, nông nghiệp Việt sẽ đón đầu nhiều cơ hội. Tuy nhiên, một thực tế là người nông dân đang 'chán ruộng', dẫn đến tình trạng ruộng bỏ hoang. Hiện tại, chỉ còn hơn 10 triệu lao động cáng đáng việc nhà nông. Trong bối cảnh này, liên kết giữa DN và nông dân là yêu cầu tất yếu. Trong liên kết này, nông dân quyết định chất lượng sản phẩm. Còn DN là đàu tàu dẫn đường cho nông dân. DN phải nghiên cứu để người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của họ.







Lê Thuận










Theo stockbiz.vn