Hãng định mức tín nhiệm Moody’s đánh giá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là yếu tố thúc đẩy đặc biệt mạnh đối với xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia Châu Á, còn hãng Fitch cho rằng TPP có thể thúc đẩy mạnh tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.



Trong các thông báo cùng phát đi ngày 12/10, các hãng định mức tín nhiệm quốc tế đã đưa ra những đánh giá tích cực đối với bậc xếp hạng của Việt Nam sau khi cuộc đàm phán về Hiệp định này kết thúc mới đây.



Moody's: Thỏa thuận TPP đặc biệt tích cực cho xếp hạng tín nhiệm của các nước Châu Á



Theo Moody's Investors Service, thỏa thuận TPP đạt được gần đây sẽ tác động tích cực đến cả 12 quốc gia tham gia đàm phán, đặc biệt là các nước Châu Á.



Thỏa thuận này sẽ làm giảm chi phí thương mại và mở ra các cơ hội đầu tư mới, theo đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Việc hàng hóa của các nước Châu Á tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ sẽ giúp các nước này được hưởng lợi lớn nhất nếu tính theo GDP.



Thỏa thuận TPP giữa 12 quốc gia, gồm Australia (xếp hạng Aaa), Brunei (chưa được xếp hạng), Canada (Aaa), Chile (Aa3), Nhật Bản (A1), Malaysia (A3), Mexico (A3), New Zealand (Aaa), Peru (A3), Singapore (Aaa), Mỹ (Aaa) và Việt Nam (B1), sẽ thúc đẩy việc tiếp cận thị trường, loại bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và thiết lập các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, điều kiện lao động, và mua sắm chính phủ.



Đánh giá về Việt Nam, Moody’s cho rằng các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu từ Mỹ và Nhật Bản giảm.



Tại Malaysia, ngành xuất khẩu dầu cọ, cao su và điện tử sẽ hưởng lợi từ TPP. Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng sẽ hưởng lợi đặc biệt lớn từ thỏa thuận này.



Australia và New Zealand cũng sẽ được lợi từ việc mở rộng tiếp cận thị trường và thuế xuất giảm đối với hàng hóa của họ. Đối với Singapore, TPP sẽ bổ sung thêm vào 9 hiệp định hiện có của nước này và giúp thúc đẩy đầu tư và thương mại của nước này với các quốc gia đối tác.



Một khía cạnh tích cực nữa của TPP, theo Moody’s, đây là một chất xúc tác cho công cuộc cải cách ở một số nước trong khu vực như Nhật Bản và Việt Nam.



Một điểm bất lợi, nhưng không lớn, là thỏa thuận này có thể làm tổn thương cán cân chính của các chính phủ do làm giảm thu thuế hải quan trong tương lai xa. Tuy nhiên, việc tăng thu nhờ ​​tăng trưởng kinh tế mạnh lên có khả năng sẽ bù đắp số hụt thu này.



Fitch: Kinh tế Việt Nam có thể được thúc đẩy trong dài hạn



Theo hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings, nếu thỏa thuận TPP được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong 12 quốc gia nhờ đầu tư và xuất khẩu tăng mạnh, kéo theo đó là tăng trưởng chung của nền kinh tế.



Trích dẫn một nghiên cứu của tổ chức Petri, Plummer and Zhai, Fitch cho rằng Việt Nam có thể ghi nhận những tác động rất tích cực từ hiệp định này, với kinh tế tăng thêm 10% trong vòng 10 năm (tính đến năm 2025).



Fitch cho rằng thỏa thuận TPP sẽ tác động đáng kể đến 2 lĩnh vực chủ chốt tại Việt Nam là thương mại và chính sách kinh tế nội địa.



Các thị trường TPP hiện chiếm khoảng 39% tổng giá trị xuất khẩu và 23% giá trị nhập khẩu của Việt Nam, trong khi việc giảm hàng rào thuế quan sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận lớn hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, Nhật Bản và Australia.



TPP được dự báo sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 37% trong 10 năm tới.



Và cùng với thỏa thuận đã đàm phán xong với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam đang trên đường hoàn tất các thỏa thuận thương mại tự do với 3 trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới là EU, Nhật Bản và Mỹ.



Sự ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện đã tạo động lực cho Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB- vàp tháng 11/2014.



Tuy nhiên, Fitch cho rằng việc nâng hạng hơn nữa của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn do tình trạng thâm hụt tài khóa lớn và nợ công cao. Fitch ước tính thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ tăng lên 6,9% GDP trong năm 2015 từ mức 6,1% của năm 2014, và nợ công (không bao gồm nộ được bảo lãnh) đã tăng lên 45% GDP, nhưng con số này gần như phù hợp với các nước có xếp hạng 'BB' tương tự.



Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho rằng cán cân ngoại thương là một điểm mạnh của Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2015 đến nay đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu và đang kìm hãm cán cân thương mại. Fitch dự báo điều này có thể sẽ kéo mức thặng dư cán cân tài khoản vãng lai xuống dưới 1% GDP trong năm 2015 từ mức 5% của năm 2014.



Quay lại với TPP, Fitch cho rằng việc thông qua thỏa thuận này có thể gặp khó khăn tại một số nước. Riêng với Việt Nam, TPP khả năng cao sẽ được thông qua.





Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn