Tờ Los Angeles Times ngày 8/10 đã có bài phân tích về việc Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.



Theo bài báo, tại Việt Nam, nơi hàng triệu người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng cách đây một thập kỷ đã xuất hiện 'thung lũng Silicon' với sự góp mặt của công ty sản xuất chip Intel, một doanh nghiệp Mỹ lớn nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ.



Giờ đây, Intel đã đầu tư lắp đặt nhà máy sản xuất với số vốn lên tới hơn 1 tỷ USD chuyên sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn như các hệ thống và bộ phận xử lý trung tâm trên chip, đồng thời tạo cơ hội cho hơn 1.000 nhân viên Việt Nam sang Mỹ đào tạo tay nghề.



Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel tại Việt Nam, cho biết Việt Nam luôn coi khoa học công nghệ là một trong những trọng tâm của mục tiêu phát triển và tăng trưởng. Mọi người có thể thấy cơ sở vật chất và môi trường khoa học công nghệ tại Việt Nam đang không ngừng phát triển.



Hiện Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, công ty dệt may Singtex của Đài Loan đã mở một nhà máy gần Thành phố Hồ Chí Minh và tuyển dụng khoảng hơn 400 công nhân. Chủ tịch Singtex Jason Chen cho biết một trong những nguyên nhân khiến Singtex quyết định đầu tư vào Việt Nam là do giá nhân công rẻ.



Ông Chen cho biết thêm, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một trong những nguyên nhân ông quyết định đến Việt Nam. Ông cho rằng công ty nhận được thiện cảm của người Việt Nam, lao động Việt Nam được đào tạo, họ có những nét tương đồng văn hóa với người Đài Loan, do đó Singtex không phải lo lắng nhiều và hy vọng TPP sẽ giúp công ty phát triển hơn nữa.



Để giúp các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giữ được tính cạnh tranh, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách hợp lý. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng cơ bản của Việt Nam, nhất là các sản phẩm may mặc đang bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia khu vực khác như Lào, Campuchia, Myanmar, vì giá nhân công lao động của những nước này thậm chí còn thấp hơn Việt Nam. Do đó, để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, Việt Nam đang không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông từ nguồn vốn viện trợ của Nhật Bản để thu hút hơn nữa vốn đầu tư.



Theo báo cáo của tập đoàn ManpowerGroup chuyên tư vấn về nguồn nhân lực, Việt Nam hiện thiếu các công nhân tay nghề cao. Việt Nam có khoảng 90 triệu dân nhưng chỉ 3% được đào tạo tại khoảng 400 trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.



Góp phần khắc phục tình trạng trên, hiện Intel đã đưa vào triển khai các chương trình nhằm nâng cao tay nghề cho các kỹ sư tốt nghiệp tại các trường đại học Việt Nam. Giám đốc điều hành Intel Boger cho biết Việt Nam cần phát triển kỹ năng cho các sinh viên mới ra trường và các chương trình của Intel đang phát huy hiệu quả mặc dù nó chỉ mới ở giai đoạn đầu./.



Hữu Hoàng










Theo stockbiz.vn