Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn thành.



Theo Financial Times, việc tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Mỹ có thể thu hút thêm nhiều nhà sản xuất quốc tế đến Việt Nam, trong khi thỏa thuận tự do thương mại này sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế hiện nay.



Với dân số 90 triệu người, Việt Nam đang nổi lên như một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á khi thu hút ngày càng nhiều các nhà sản xuất quốc tế, từ các tập đoàn điện tử như Samsung đến những nhãn hàng thời trang như Nike hay Uniqlo.



Hơn nữa, tình trạng chi phí nhân công tăng mạnh tại Trung Quốc đã khiến thị trường Việt Nam với lao động giá rẻ, chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, và vị trí địa lý thuận lợi trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà sản xuất thế giới.







Sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong 9 tháng đầu năm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Trong cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã tăng 8% lên 9,7 tỷ USD.



Theo nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà sản xuất, việc ký kết hiệp định TPP và thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) sẽ khiến ngành xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng bùng nổ hơn nữa và cũng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn.



Các quan chức chính phủ coi các hiệp định tự do thương mại là động lực thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế hiện đang gặp rắc rối với hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả.



Tuy nhiên, hiệp định TPP không hoàn toàn chỉ mang yếu tố tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.



Hiệp định này bao gồm 12 quốc gia thành viên, như Mỹ, Nhật Bản và Australia, trong đó yêu cầu các nước phải mở cửa mạnh hơn nữa cho các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, nâng cao tiêu chuẩn lao động và điều kiện môi trường. Những yêu cầu này sẽ khiến Việt Nam gặp khó khăn khi thực hiện cũng như ẩn chứa một số rủi ro về kinh tế, chính trị.



Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế Johanna Chua của Citigroup cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến rất lớn trong ngành may mặc và giày dép nên những hiệp định tự do thương mại sẽ càng làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi các nhà máy tìm thị trường mới thay thế Trung Quốc. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng việc làm cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.



Bên cạnh đó, các thị trường Châu Á khác không nằm trong hiệp định TPP như Campuchia, Indonesia, Myanmar hay Thái Lan có thể chịu thiệt trong cuộc cạnh tranh thu hút những nhà sản xuất.



Một trong những nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới là Crystal Group hiện có 17.000 lao động tại Việt Nam và đang cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng như Gap, Marks & Spencer and Uniqlo.



Giám đốc điều hành Andrew Lo của tập đoàn này cho biết hãng trước đó đã có kế hoạch tăng cường tuyển dụng tại Việt Nam và giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và sự kiện TPP đàm phán xong có thể sẽ gia tăng động lực mở rộng tại thị trường Việt Nam.



Một công ty dệt may Hồng Kông khác có nhà máy tại Việt Nam là Lawsgroup nhận định thỏa thuận TPP chắc chắn sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặc dù vậy, hãng cũng cho biết cần phải xem xét các điều khoản chi tiết của bản hiệp định trước khi đánh giá được những lợi ích cụ thể mà Việt Nam được hưởng.



Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann của HSBC khẳng định rằng hiệp định TPP sẽ đem lại lợi ích cho ngành sản xuất tại Việt Nam cũng như các thành viên có chi phí thấp khác như Mexico và Peru.



Theo ông Neumann, dù ngành ô tô tại Mỹ vẫn bị bảo hộ cao và một số nước cạnh tranh như Thái Lan đã phát triển ngành công nghiệp xe hơi khá tốt, nhưng việc không phải là thành viên TPP của các nước này sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam.



Tuy vậy, Việt Nam không chỉ nhận được lợi ích từ TPP mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam là các tiêu chuẩn lao động khắt khe mà hiệp định TPP đặt ra. Việc vi phạm những tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có thể khiến Việt Nam phải chịu thêm chế tài xử phạt.



Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện của hiệp định TPP trước khi thỏa thuận này chính thức có hiệu lực, nhưng tại thời điểm Đại hội Đảng sắp diễn ra, Việt Nam có thể sẽ gặp khó nếu muốn hoàn tất các tiêu chuẩn trên.



Bất chấp những khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng các điều kiện của hiệp định TPP và các yêu cầu về môi trường lao động chỉ là những tiêu chuẩn của ILO trong khi Việt Nam vẫn đang là một thành viên của tổ chức này.



Mặc dù vậy, tờ Financial Times nhận định những lời cam kết không là chưa đủ khi áp lực phản đối hiệp định TPP từ Đảng Dân chủ của Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Barack Obama thúc đẩy các tiêu chuẩn về lao động.



Hiện nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ lo lắng hiệp định TPP có thể khiến người lao động Mỹ mất việc làm và các tiêu chuẩn lao động có thể là một quân bài thuyết phục những nhà chính trị này.



Hoàng Nam- Theo Financial Times










Theo stockbiz.vn