-
10-02-2015, 07:00 AM #1
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
GDP tăng, PMI, CPI giảm: Đáng mừng, còn có gì đáng lo?
Đầu tháng 10, đón hai tin vui là GDP 9 tháng tăng 6,5% và chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc. Tuy nhiên, có hai tin không vui là chỉ số PMIngành sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm. Nhìn từ những chỉ số trên giấy, liệu tăng trưởng kinh tế có gì đáng lo?
Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 mới được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc so với kỳ khảo sát 2014-2015, đạt 4,3 điểm/7 điểm, xếp thứ 56 trong số 140 nền kinh tế.
Còn theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của của nền kinh tế đạt 6,81% trong quý III/2015. Tính chung 9 tháng qua, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Mới nghe qua, hẳn không ít người nghĩ rằng đó là những chỉ số khá lý tưởng, phản ánh bức tranh tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Nhưng nhìn vào thực tế, có điều gì đó băn khoăn.
GDP tăng cao, hết âu lo?
Ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cũng vui mừng nhắc đến hai thông tin này. Ông còn tự tin nói rằng đó là kết quả của việc Việt Nam chấp nhận cuộc chơi toàn cầu, đó là từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch đề ra, cao hơn so với dự báo trước đây…
Thế nhưng, những chỉ số trên đã thực sự vững chắc hay chưa nếu nhìn vào tình hình nợ công, bội chi, vào hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, vấn đề ô nhiễm môi trường và 'sức khoẻ' của các doanh nghiệp trong nước thời gian qua?
Cần nhắc lại, trong báo cáo gần đây nhất, Bộ KH&ĐT đã tính toán lại và đưa ra con số nợ công trong năm 2014 là 66,4% GDP, chênh lệch tới 6,5 điểm phần trăm so với mức 59,9% GDP đã công bố.
Trả lời báo chí mới đây, Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết rủi ro nhất về vĩ mô hiện nay là ngân sách. Có hai nguyên tắc vàng chúng ta đang phạm phải. Tốc độ tăng chi nhanh hơn so với tăng thu, làm thâm hụt ngày càng lớn; và tăng chi đầu tư lại thấp hơn tăng chi thường xuyên, tức chi dài hạn để tạo ra tăng trưởng lại thấp hơn so với chi tiêu ăn uống hàng ngày.
Vì thế, theo Ts Nguyễn Đình Cung, nợ công tăng lên, bội chi gia tăng. Xu hướng này vẫn tiếp tục, chưa thấy điểm dừng, và áp lực ngày càng lớn, không có dấu hiệu ngăn chặn xu hướng này.
Ngay cả trong vấn đề xuất nhập khẩu 9 tháng qua cũng chất chứa nhiều âu lo thua thiệt của các doanh nghiệp trong nước. Số liệu thống kê cho thấy trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng 2015 (đạt 120,7 tỷ USD) thì khu vực kinh tế trong nước ước tính chỉ đạt 35,5 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn doanh khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục thắng thế, với kim ngạch xuất khẩu 85,2 tỷ USD, chiếm 70,6% và tăng 15,8%. Thực ra, chuyện thắng thế của khối FDI được nhắc đến từ lâu. Vài năm trở lại đây, trong khi khối doanh nghiệp nội đuối sức, thì khối FDI vẫn không ngừng tăng tốc, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu.
Trong 9 tháng qua, nhập siêu tăng mạnh nhưng GDP vẫn đạt 6,5%
Các chuyên gia kinh tế nhận định vấn đề này có tính hai mặt. Không phủ nhận nguồn vốn FDI có vai trò hết sức quan trọng. Thiếu nguồn vốn này, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ thấp hơn, đồng thời còn tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác.
Nhưng ở một chiều khác, một khi bị phụ thuộc bởi các doanh nghiệp FDI thì điều gì đảm bảo cho nền kinh tế trong nước phát triển vững chắc và các doanh nghiệp nội mạnh lên?
Ngoài ra, nhập siêu tăng cũng rất đáng ngại cho nền kinh tế. Có nhiều nhận định rằng lẽ ra tăng trưởng GDP sẽ cao hơn nếu nhập siêu không tăng mạnh. Thế nhưng, tính chung 9 tháng 2015, nhập siêu ở mức 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu cao ở mức 15,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2014 là 4,1 tỷ USD). Riêng nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng là 24,3 tỷ USD, tăng mạnh ở mức 21,3%.
Bên cạnh đó, dù GDP có tăng cao thì vấn đề môi trường cũng là nỗi lo lớn. Phát biểu tại Hội nghị Môi trường lần thứ IV hôm 30/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: 'Các chuyên gia môi trường quốc tế cảnh báo, trong 10 năm tới, GDP Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng ba lần, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường làm mất đi 3% GDP'.
Nỗi lo từ thực lực
Trong khi GDP được ghi nhận là tăng mạnh thì báo cáo chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2015 của nhà quản trị mua hàng Nikkei Việt Nam cho thấy điều kiện kinh doanh tại Việt Nam lần đầu tiên giảm sút trong 25 tháng qua. Theo tính toán của Nikkei, PMI Việt Nam tiếp tục giảm từ 51,3 điểm tháng 8 xuống 49,5 điểm trong tháng 9.
PMI thấp hơn 50 điểm cho thấy sản xuất thu hẹp so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên chỉ số PMI xuống dưới 50 điểm sau hơn 2 năm liên tục tăng trưởng. Hãng Nikkei cho rằng điều kiện thị trường xấu đi đã khiến các đơn đặt hàng mới giảm trong tháng 9, đây là lần sụt giảm đầu tiên trong hơn 1 năm qua. Về phía đơn hàng xuất khẩu, sự sụt giảm đã kéo sang tháng thứ 4 liên tiếp và tốc độ giảm nhanh thứ hai trong lịch sử. PMI là một chỉ số tổng hợp được xây dựng để cho một đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất và đóng vai trò như một chỉ số hàng đầu cho toàn bộ nền kinh tế.
Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh đang được cải thiện so với tháng trước, ngược lại kết quả dưới 50 điểm cho thấy sự giảm sút. Do đó, kết quả chỉ số PMI Việt Nam dưới 50 mà Nikkei vừa công bố cho thấy nền kinh tế sản xuất trong nước nhìn chung giảm sút.
Song song đó, Tổng cục Thống kê cũng vừa mới công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tiếp tục giảm 0,21% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp CPI giảm. Tính bình quân 9 tháng đầu năm nay, CPI cũng chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của CPI tháng 9 trong 10 năm gần đây.
Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 và năm 2016 xuống tương ứng 3% và 3,6%. Các báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu trong tháng 9/2015 đều nhấn mạnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh hơn bởi các rủi ro. Các tổ chức quốc tế đều nhận định kinh tế thế giới chịu nhiều áp lực suy giảm tăng trưởng trong năm 2015-2016.
Xét cho cùng, các chỉ số tăng hay giảm chỉ là một kênh tham khảo. Nếu nhìn vào chỉ số của GDP, của Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 hay PMI, CPI hoặc như dự báo của OECD, để tăng trưởng ổn định thì còn nhiều chuyện phải lo từ thực lực nền kinh tế.
Thế Vinh
Theo stockbiz.vnView more random threads:
- Châu Âu thất vọng vì tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp vẫn đứng yên
- VietinBank tài trợ 1.000 tỷ đồng cho KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2
- Từ 15 giờ chiều nay, xăng giảm mạnh 800 đồng/lít
- Hơn 32.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong bảy tháng
- Doanh nghiệp được phép có nhiều con dấu
- Tập đoàn Sumitomo đầu tư xây khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc
- Tháng 11, chỉ số công nghiệp Hà Nội tăng 9% so cùng kỳ
- Chốt mục tiêu tăng trưởng 2016 đạt 6,7%
- Tăng trưởng của Việt Nam vs Trung Quốc: Trái chiều xu hướng!
- Thu hút vốn FDI: Dự án nhỏ cấp tập vào công nghiệp hỗ trợ
Khu căn hộ chung cư Altara Residences Quy Nhơn được phát triển bởi Công ty CP Foodinco Quy Nhơn chất lượng hàng đầu khu bậc nhất căn hộ lộng lẫy. Altara Residences Quy Nhơn chất lượng hàng đầu khu...
Altara Residences Quy Nhơn Dự án...