'Có những chỗ tôi thấy giữa doanh nghiệp (DN) và cơ quan nhà nước như là hai 'chiến tuyến' khác nhau, nói hai ngôn ngữ khác nhau. Cơ quan nhà nước nói DN không hiểu, còn DN nói có vẻ cơ quan nhà nước cũng không hiểu. Có những cuộc họp ngồi với nhau phát biểu cả chục ý kiến, nhưng rồi chẳng hiểu nhau'.



Đây là những trăn trở của Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo về tình hình 6 tháng thực thi Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh do CIEM tổ chức sáng ngày 24/9.



Báo cáo vẫn đang… trên đường đi



Ông Cung cũng cho biết, theo Nghị quyết 19, định kỳ hằng quý, các bộ, địa phương phải báo cáo kết quả thực hiện, nhưng đến nay, bản thân ông Cung vẫn chưa nhận được báo cáo nào, có thể còn đang trên đường đi.



Bên cạnh đó, thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, cũng cho biết nhiều giải pháp đề ra của Nghị quyết 19 chưa được thực hiện. Vì thế kế hoạch hành động của nhiều địa phương chưa bám sát mục tiêu đề ra.



Thực tế, 'đến giờ nhóm nghiên cứu mới chỉ nhận được 7 báo cáo, còn lại có thể đang trên đường đi hoặc chưa thực hiện. Đáng buồn hơn là CIEM tổ chức hội thảo tập huấn thực hiện Nghị quyết này tại Hà Nội, hầu hết các bộ và cơ quan quản lý chưa coi trọng việc này. Ngay như Hà Nội cũng chưa tích cực, có rất ít cơ quan trên địa bàn tham gia', bà Thảo dẫn chứng.



Theo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 19 ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, riêng thủ tục thuế, Bộ Tài chính cho biết, thời gian nộp thuế đã giảm được 78% số giờ thực tế, vượt chỉ tiêu đề ra của nghị quyết. Nhưng theo nhóm nghiên cứu của CIEM khi tiến hành khảo sát của DN lại cho thấy thời gian thực tế không giảm được như tính toán của Bộ Tài chính vì DN cho biết số giờ nộp thuế chỉ giảm thực tế khoảng 20%.



Điều này cho thấy đang có sự chênh lệch số liệu lớn về số giờ nộp thuế giữa kết quả của Bộ Tài chính và báo cáo của CIEM. Nguyên nhân được bà Thảo chỉ ra có thể là do cách tính toán của Bộ Tài chính dựa theo những sửa đổi của văn bản chính sách.



Song, có những chính sách thay đổi không đồng bộ. Do đó, dù có cắt giảm, thay đổi chính sách thuế, nhưng thực tế DN chưa thực sự được hưởng cắt giảm giờ nộp thuế như mục tiêu chính sách, nhiều thủ tục về thuế DN vẫn phải thực hiện như cũ.



Cụ thể, bà Thảo cho biết: 'DN đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, thời gian thực tế không giảm như tính toán theo những thay đổi chính sách của Bộ Tài chính. DN ghi nhận thời gian nộp thuế mới chỉ giảm khoảng 20%, tương đương khoảng 110 giờ'.



Theo bà Thảo, tâm lý DN chưa thực sự tin tưởng vào những cải cách này, do vậy tuy thủ tục đã được cắt bỏ, nhưng DN vẫn thực hiện như trước đây. Công tác tổ chức thực hiện ở địa phương cũng không thay đổi tốt như chính sách đề ra.



Tại sao cải cách lại chững lại



Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra đối với cải cách hành chính về BHXH, Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian nộp BHXH từ 335 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ/năm. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như cắt giảm 50 tiêu thức trên các biểu mẫu, tờ khai; bãi bỏ 16 thành phần hồ sơ trong các thủ tục; giảm từ 115 thủ tục xuống còn 43 thủ tục… Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thời gian nộp BHXH tuy giảm nhiều nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu xuống 49,5 giờ như yêu cầu của Nghị quyết.



Còn đối với cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian thông quan hàng hóa XK 13 ngày và NK 14 ngày đến hết năm 2015; XK dưới 10 ngày và NK dưới 12 ngày đến hết năm 2016.



Tuy nhiên, chỉ tiêu này cho đến nay vẫn chưa đạt được, mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hải quan, áp dụng hải quan điện tử, song các thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa XNK chưa được cải thiện, do đó chưa giảm được thời gian thông quan hàng hóa.



Tương tự đối với việc tiếp cận điện năng, mục tiêu của Nghị quyết 19 nhằm giảm thời gian tiếp cận điện năng còn 70 ngày, trong đó 36 ngày thuộc trách nhiệm của EVN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Mặc dù ENV đã có nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này, song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, thời gian DN thuê thiết kế và thực hiện công trình ở Việt Nam là 63 ngày.



Liên quan đến việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại xuống còn tối đa 200 ngày, bà Thảo cho biết, tính đến nay chưa có thông tin cụ thể về mức độ cải thiện đối với chỉ số này. Nhưng nhìn chung, thời gian chưa rút ngắn được như yêu cầu của Nghị quyết.



Đặc biệt, đối với việc giải quyết phá sản DN, NQ 19 đạt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết phá sản DN xuống còn 30 tháng (đến hết 2015) và 24 tháng (đến hết 2016). Mặc dù Luật Phá sản 2014 là một đạo luật tiến bộ với nhiều nội dung đổi mới, đã có hiệu lực từ 1/7/2015, song trên thực tế chưa ghi nhận sự cải thiện trong thủ tục và thời gian giải quyết phá sản của DN.



Trước việc tiến độ cải thiện môi trường kinh doanh đang có biểu hiện chuyển biến chậm chạp, Ts. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã đặt câu hỏi cho sự chậm trễ này có phải là do cải cách đang nhầm hướng: 'Đó là tại sao 3 tháng gần đây, cải cách lại chững lại, lại kém đi. Có phải là do chúng ta cần thay đổi bộ máy chứ không phải là thay đổi thể chế như hiện nay không'?



Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, lại cho rằng chính các địa phương đang chưa năng động, chủ động sáng tạo thực hiện nghị quyết. Kết quả khảo sát khoảng 8.000 DN cho thấy tính năng động cải cách của các địa phương đang giảm đi rất nhiều.



Ts. Lưu Bích Hồ còn dẫn chứng về việc tuân thủ hiến pháp: 'Tôi ngạc nhiên rằng Hiến pháp 2013 hoàn toàn ưu việt hơn. Trong đó có giảm điều kiện kinh doanh, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh chưa được loại bỏ, thậm chí còn gia tăng trong các thông tư. Vậy phải chăng chưa có tòa án hiến pháp nên Hiến pháp chưa được thực thi nghiêm túc'.







Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương<br style='line-height: 20.8px;'>
-------------------------------


Nhóm nghiên cứu rất mong nhận được phản hồi, đặc biệt từ các bộ ngành, địa phương để có thêm thông tin đầy đủ hơn, cập nhật về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 để hoàn thiện báo cáo. Nếu không, khi bút sa, chưa biết gà có chết không, nhưng là khó sửa. Mà trước mắt chính là việc DN gặp khó, môi trường kinh doanh trì trệ, chậm chuyển biến dù đang thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh.



Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

-------------------------------

Nghị quyết 19 là vô nghĩa nếu không có sự thực hiện nghiêm túc, giờ không còn là lúc các bộ ngành nói là ủng hộ hay không mà phải là trách nhiệm thực hiện nghị quyết của các Bộ, ngành đến đâu. Bây giờ mới có 2 bộ, 3 địa phương báo cáo… về tình hình thực hiện Nghị quyết 19, chứng tỏ kỷ luật báo cáo đang thụt lùi.



Ông David Anderson - Giám đốc Dự án USAID/GIG

-------------------------------


Viện CIEM đã đánh giá kết quả 6 tháng thông qua các chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh. Những chỉ số này liên quan tới phá sản của doanh nghiệp, đăng ký tài sản, giấy phép xây dựng, giải quyết tranh chấp… Đánh giá cho thấy có sự cải thiện môi trường nhưng vẫn cần có sự nỗ lực để cải thiện hơn nữa từ cả cơ quan nhà nước và DN, cả trung ương và địa phương.







Lê Thúy










Theo stockbiz.vn