Sau khi dự thảo quyết định công bố biểu cước vận tải biển, dịch vụ cảng được lấy ý kiến, các hãng tàu ngoại lớn đang hoạt động tại Việt Nam vừa lên tiếng phản đối.



Trong văn bản gửi Thủ tướng và một loạt người đứng đầu các bộ ngành mới đây, đại diện pháp lý 4 hãng tàu biển là Mediterranean Shipping Company (MSC), CMA CGM, APL và Neptune Oriel Lines (NOL) đã kiến nghị cơ quan quản lý “xem xét kỹ” dự thảo quyết định này.



Theo dự báo được các hãng này đưa ra, nếu dự thảo quyết định của Thủ tướng được ban hành, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Trước đó, văn bản này yêu cầu biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng phải được doanh nghiệp công khai, khi thay đổi cần thông báo với Cục Hàng hải ít nhất 30 ngày trước khi áp dụng...



Trong khi đó, theo các hãng tàu ngoại, hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng container quốc tế hoạt động theo các điều khoản của hợp đồng bảo mật, việc công bố đồng nghĩa với việc đối thủ cạnh tranh sẽ nắm được chi phí vận tải của các công ty xuất khẩu Việt Nam và khách hàng của họ. “Các công ty nước ngoài mua hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối việc công bố rộng rãi mức cước phí. Có thể, nhiều công ty sẽ sử dụng các nhà cung cấp ở nước khác vì yêu cầu này”, đại diện một số hãng tàu quan ngại.



Các chủ tàu cũng cho rằng, dự thảo quyết định sẽ làm tăng sự can thiệp hành chính và gia tăng gánh nặng đáng kể cho Cục Hàng hải Việt Nam khi phải kiểm tra chi phí hoạt động của các hãng tàu biển quốc tế với hàng ngàn giao dịch mỗi ngày. 'Các cơ quan chức năng nên gặp các hãng tàu để thảo luận về các mối quan ngại nói trên nhằm tránh được hệ quả tiêu cực có thể gây ra cho các công ty xuất, nhập khẩu Việt Nam', văn bản của các chủ tàu kiến nghị.



Trước những kiến nghị này, Cục trưởng Hàng hải Lê Xuân Sang cho rằng việc các chủ hàng kêu là 'bình thường', song Bộ Giao thông vẫn quyết thực hiện do nhận thấy những lợi ích từ việc công khai, minh bạch đối với các chủ hàng trong nước là khá rõ ràng khi giảm được các chi phí vô lý.



Rà soát của Bộ Công Thương cho thấy hiện có 5 loại cước phổ biến mà các chủ hàng phải chịu sự áp đặt bất lợi, bao gồm phụ cước dịch vụ container (THC); phụ cước tắc nghẽn hàng hóa tại cảng; phụ cước mất cân đối container; phụ cước vệ sinh và sửa chữa container...



Theo cơ quan quản lý, các phụ cước này thực chất là các yêu tố cấu thành nên giá cước vận tải, nhưng hiện đang được các hãng tàu tách ra. “Trong số 77.115 tỷ đồng được các đại lý thu hộ các hãng tàu trong 2 năm 2013–2014, các loại phụ cước chiếm tới 26.561 tỷ đồng”, báo cáo của Bộ Tài chính cho hay.



Còn theo Bộ Giao thông Vận tải, gần 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện được đảm nhận các hãng tàu nước ngoài. Riêng hàng hóa đóng container đi châu  và châu Mỹ thì gần như 100% do các hãng tàu ngoại thực hiện.



“Do đó, những chi phí rất lớn này ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh của ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chúng tôi tin dự thảo quyết định này nếu được thông qua sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của của khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải biển của doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển, nâng cao sức canh tranh của hàng hóa nội”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – Nguyễn Văn Công nhìn nhận.



Chí Hiếu










Theo stockbiz.vn