Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày cho biết mỗi năm phải tốn hàng tỉ đồng chỉ riêng cho khâu kiểm tra chuyên ngành của cơ quan quản lý



Đây là bức xúc được các doanh nghiệp (DN) nêu ra tại hội thảo về đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên sản phẩm dệt may, do dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 22-9 ở TP HCM. Bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Nhà Bè, than phiền mỗi năm, DN bà phải tốn kém rất nhiều thời gian, chi phí cho khâu kiểm tra hàm lượng formaldehyde, các amin thơm (loại hóa chất có khả năng gây ung thư) trong sản phẩm dệt may dù chưa lô hàng nào vi phạm.



“Doanh nghiệp mệt mỏi lắm rồi!”



Thông tư 32/2009/TT-BCT - quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyde, các amin thơm có thể giải phóng từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may - được Bộ Công Thương ban hành ngày 5-11-2009. Theo các DN, một thông tư mang tính chất quy định “tạm thời” như vậy nhưng đã kéo dài suốt 6 năm qua, gây tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian và giảm sức cạnh tranh.



Theo bà Phạm Kiều Oanh, trong khi Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho DN thì Thông tư 32 lại “hành” họ suốt từ năm 2009 đến nay. “Gần 3 năm qua, chưa có lô hàng nào của công ty bị vướng quy định vượt ngưỡng nhưng phải tốn hàng tỉ đồng tiền phí. DN mệt mỏi lắm rồi!” - bà Oanh bức xúc. Cụ thể, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, tổng cộng 116 chuyến hàng nhập cập cảng TP HCM, công ty đã tốn chi phí kiểm dịch theo Thông tư 32 là 10.724 USD, chưa kể hàng loạt chi phí không tính hết như thời gian, công sức, hàng hóa phải lưu kho bãi. Khi chờ kiểm dịch, một lô hàng phải mất 3 ngày mới thông quan.



Đại diện rất nhiều DN có mặt tại hội thảo đã vỗ tay đồng tình khi lãnh đạo May Nhà Bè kể nỗi bức xúc của mình bởi đây cũng là tình trạng chung mà hàng loạt DN dệt may, da giày đang gặp phải. Ông Nguyễn Công Nghiêm, phụ trách xuất nhập khẩu Công ty Mai Son, cho biết DN phải tốn phí từ 1,67 triệu đồng/mẫu hàng dệt may kiểm dịch. Trung bình, một lô hàng cần kiểm tra hàm lượng formaldehyde, các amin thơm từ 3-4 mẫu, có lô tới 7 mẫu. Sau đó, chờ 3-5 ngày làm việc mới có kết quả, còn nếu muốn nhanh hơn thì phải tốn thêm chi phí (khoảng 700.000 đồng lấy trong ngày). “Chỉ riêng chi nhánh ở Hà Nội, mỗi năm công ty đã mất khoảng 1 tỉ đồng tiền kiểm dịch. Nếu tính cả ở TP HCM, Mai Son mỗi năm tốn gần 3 tỉ đồng cho khâu kiểm tra này” - ông Nghiêm than.



Sớm điều chỉnh để tháo gỡ cho doanh nghiệp



Đại diện một DN ở Long An, chuyên gia công giày thể thao cho thương hiệu Nike, cho biết một số mẫu vải dùng để sản xuất giày mẫu, giày thử không bán ra thị trường cũng phải đi giám định khiến chi phí hằng tháng ngày càng tăng. Mỗi lần đi giám định, DN được mang hàng về nhưng chưa được sản xuất vì phải chờ kết quả, rất phiền phức và tốn kém thời gian, chi phí. Từ khi Thông tư 32 áp dụng, DN chưa bao giờ vi phạm nhưng lô hàng nào cũng phải có mẫu giám định. Phải chăng, nên áp dụng theo tiêu chí những công ty lớn, uy tín, chưa vi phạm quy định sẽ được thông thoáng hơn trong kiểm tra chuyên ngành?



Ngay cả đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cũng cho rằng một thông tư “tạm thời” nhưng kéo dài suốt 6 năm qua là quá lâu. Tại Đồng Nai, đến nay, ngành hải quan chưa phát hiện lô hàng nào không đạt hàm lượng formaldehyde. Ở Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, kiểm tra 8.000 trường hợp nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm; riêng DN dệt may, tỉ lệ vi phạm chưa tới 1%.



“Ngành hải quan và các ban, ngành liên quan tốn bao nhiêu công sức cho khâu này. Vì thế, cần đánh giá tác động bằng những con số cụ thể, chi phí của xã hội và hiệu quả từ thông tư này đem lại” - đại diện Cục Hải quan Đồng Nai nhìn nhận.



Cố vấn cao cấp về thuận lợi hóa thương mại của USAID, chuyên gia Peter Bennett, cho rằng chất formaldehyde vượt ngưỡng là không tốt cho sức khỏe và các nước trên thế giới đều kiểm tra, quản lý rủi ro đối với sản phẩm dệt may. Các nước châu Âu quản lý rủi ro với sản phẩm dệt may bằng cách những đơn vị nào tuân thủ tốt thì được tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu. Sau đó, kiểm tra ngẫu nhiên và lấy mẫu thường xuyên với sản phẩm đang lưu thông trên thị trường, kể cả những DN làm tốt. Trong khi đó, Việt Nam lại đang quản lý theo rủi ro đối với tất cả hàng hóa chứ không chỉ chuyên ngành. Những DN bị kiểm tra thường xuyên sẽ mất thời gian, chi phí và giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Do đó, cần thay đổi phương pháp chứ không thể kiểm tra đồng loạt trên tất cả sản phẩm.














Theo stockbiz.vn