Các chuyên gia giàu kinh nghiệm đều cho rằng nên giữ cách tính lũy tiến, song có thể giảm bớt bậc giá.



Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng nay tổ chức hội thảo lấy ý kiến về các phương án tính giá bán điện mới, trong đó có việc bán điện đồng giá hoặc giảm bớt từ 6 bậc lũy tiến hiện nay còn 3-4 bậc.



Chia sẻ tại hội thảo - ông Nguyễn Tiến Thỏa, lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam – đơn vị được Tập đoàn Điện lực (EVN) thuê xây dựng biểu giá mới cho rằng cách tính đồng giá có ưu điểm là minh bạch, rõ ràng và giảm chi phí đầu tư gắn mới công tơ trong trường hợp các hộ sử dụng điện trong cùng địa điểm tách hộ để được sử dụng điện với giá thấp ở các bậc thang đầu tiên. Tuy nhiên, đối tượng người nghèo, thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.



Trong khi đó, phương án rút ngắn bậc thang về 3-4 bậc được đánh giá là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều, sẽ càng phải trả tiền điện với giá cao hơn, và ngược lại. “Đây là phương án ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá điện đến các hộ dân cũng là ít nhất”, ông nói. Ông Thỏa từng là Cục trưởng Cục Quản lý giá khi đơn vị này còn đóng vai trò quyết định trong xây dựng phương án giá điện.



Cho ý kiến về các phương án kể trên, nhiều chuyên gia đã loại trừ hai kịch bản đồng giá và 6 bậc như hiện tại đồng thời đề nghị điều chỉnh cách tính lũy tiến để phù hợp hơn trong thực tế.



Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét biểu giá 6 bậc đang áp dụng là quá nhiều và nên đưa về 3-4 bậc. “Tuy nhiên khoảng cách giữa các bậc, nhất là hai bậc đầu nên giãn cách ra xa hơn, có thể cách nhau 100-150 kWh thì mức tiền phải trả sẽ giảm xuống”, ông Thiên nói.



Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng bao nhiêu bậc thang thì nhường cho các nhà kỹ thuật tính toán song theo ông cần giữ nguyên tắc lũy tiến. Ông cũng lưu ý sẽ không có phương án nào đem lại hài lòng cho tất cả cho nên cần ưu tiên ưu tiên số đông. “Số người dùng trên 400 kWh mỗi tháng chỉ 4,7%, trong khi số người dùng dưới 100% - là người nghèo lại lớn hơn nhiều. Nếu không ưu tiên họ thì không khéo chúng ta lại đi bảo vệ người giàu”, ông Kiên nêu quan điểm.



Giáo sư Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực đồng tình khi cho rằng dù tỷ lệ hộ dùng điện 400 số trở lên chỉ chưa đến 5% nhưng trung bình mỗi hộ này dùng đến 770 kWh. 'Vậy nên tăng mức giá với đối tượng này là đúng đắn', ông nhận xét.



Chuyên gia này cũng đề xuất, có thể gộp hai bậc thang 50 và 100 kWh đầu tiên thành một, ghép chung vào các hộ dùng từ 100 kWh trở xuống, các bậc tiếp theo cách nhau 100 số mỗi bậc. “5 bậc là rất hợp lý, cách nhau lại là 100 số chẵn thì ngay các bà nội trợ khi trả tiền cũng dễ nhớ chứ không có gì phức tạp”, Giáo sư Long nhận định.



Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế - Giáo sư Nguyễn Quang Thái cũng cho rằng với ngươi nghèo, người dùng dưới 100 kWh thì nên để thấp. Bậc tiếp theo, là các hộ trung bình cũng nên có độ chênh lệch tính giá vừa phải để không bị quá cao. Trong khi người dùng trên 400 kWh mới là đối tượng phải trả giá cao.



Hồi đáp tại sự kiện, Phó tổng giám đốc EVN - Đinh Quang Tri cho hay việc lấy ý kiến sẽ còn được kéo dài hết tháng 9 và sẽ có hội thảo tại Đà Nẵng vào ngày mai, và TP HCM vào ngày 30/9.



“Đến lúc này chúng tôi chưa nghiêng về phương án nào mà việc đó sẽ do Bộ Công Thương lựa chọn, hoàn chỉnh để trình Thủ tướng quyết định. Nhưng quan điểm EVN cũng là không nên bán điện đồng giá, cần theo bậc theo lũy tiến để người dùng điện quá cao thì phải chịu giá cao', ông Tri bày tỏ.



Chí Hiếu










Theo stockbiz.vn