-
09-18-2015, 07:00 AM #1
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Tháng 8, xuất siêu 350 triệu USD: Mừng trước mắt, lo về dài
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất siêu 346,4 triệu USD trong tháng 8/2015. Điều này có tạo đà giúp cán cân thương mại bớt thâm hụt, nhất là khi doanh nghiệp FDI đang chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu, còn doanh nghiệp nội nhập siêu đến 11,22 tỷ USD trong 8 tháng qua.
Nếu số liệu chuẩn xác, thì đây là lần thứ hai cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư kể từ đầu năm nay (vào tháng 4/2015, cả nước xuất siêu gần 150 triệu USD). Thật ngạc nhiên khi số liệu xuất siêu của Tổng cục Hải quan lại vênh với số liệu Tổng cục Thống kê công bố trước đó, là cả nước nhập siêu 100 triệu USD trong tháng 8/2015.
Xuất siêu thuộc về ai?
Thực ra, số liệu ngành thống kê là ước tính, lấy theo số liệu đến ngày 20 hàng tháng để kịp công bố vào gần cuối tháng. Trong khi số liệu ngành hải quan thu thập theo số liệu cuối tháng và công bố vào giữa tháng sau.
Chỉ riêng con số thống kê xuất nhập khẩu cũng đủ thấy sự thiếu thống nhất giữa hai cơ quan quản lý. Và sẽ thật tai hại cho nền kinh tế nếu các số liệu thống kê được công bố lại chênh lệch nhiều hoặc không chuẩn xác. Bài học của vụ sai lệch số liệu nhập siêu từ Trung Quốc đến 20 tỷ USD trong năm 2014 vẫn còn đó.
Quay lại con số xuất siêu 346,4 triệu USD, thoạt nhìn qua cứ tưởng sẽ khiến cán cân thương mại của Việt Nam đỡ thâm hụt, bớt lo chuyện nhập siêu. Dựa trên số liệu Tổng cục Hải quan, con số xuất siêu có đóng góp rất lớn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, khối FDI tiếp tục xuất siêu 187 triệu USD trong tháng 8 (chiếm hơn một nửa con số xuất siêu tháng 8), nâng mức xuất siêu của khối này trong 8 tháng lên 7,45 tỷ USD. Còn khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 11,12 tỷ USD trong 8 tháng qua.
Điều đáng nói, số liệu xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong 8 tháng qua đã đạt 72,35 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi giá trị nhập khẩu của khối FDI trong 8 tháng lên 64,89 tỷ USD, chiếm đến 58,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trả lời trên hãng tin BBC mới đây trước số liệu xuất siêu vừa công bố của tháng 8/2015, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành phải thốt lên rằng việc dựa vào các doanh nghiệp FDI để thúc đẩy xuất khẩu không phải là hướng đi phù hợp.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế gia công chứ không phải một nền kinh tế có giá trị gia tăng lớn, như vậy là xuất giúp cho nước khác. Điều đó rất nguy hiểm vì Việt Nam không có một nền kinh tế phát triền bền vững và từ đó không nâng cao năng suất lao động lên được, không hiện đại hóa được các lĩnh vực sản xuất.
Một yếu tố khác được đặt ra là, với con số xuất siêu như trên, có phản ánh được gì từ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội trước doanh nghiệp FDI hay chưa, khi vẫn đang trong giai đoạn phải nhập siêu và liệu có tạo đà khởi sắc cho lĩnh vực sản xuất trong nước thời gian tới?
Thẳng thắn mà nói, việc các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế về xuất khẩu là vì khối này mạnh về tiềm lực tài chính, về thị trường và chiến lược đầu tư sản xuất bài bản.
Còn các doanh nghiệp nội thì sao? Trong lúc đang loay hoay chưa rõ sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như thế nào thì đã bị doanh nghiệp FDI chớp cơ hội ngay từ đầu.
Cũng cần lưu ý, xuất khẩu thời gian tới được dự đoán sẽ khá chật vật. Báo cáo phân tích tháng 9/2015 của công ty CP chứng khoán Nhất Việt (VFS) có nhận định rằng chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,6 điểm trong tháng 7 xuống còn 51,3 điểm trong tháng 8/2015, điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất có mức cải thiện yếu nhất kể từ tháng 3/2015.
Theo VFS, sản lượng sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ chậm lại, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Việc giảm nhu cầu của khách hàng quốc tế và áp lực cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc được coi là những nhân tố dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Mạnh được, yếu thua
Thông tin từ giới phân tích tài chính hiện nay cho biết xuất khẩu trong nước đang tăng chậm do ảnh hưởng giảm mạnh từ các mặt hàng nông thủy sản. Việc đồng tiền của các nước xuất khẩu khác giảm làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các nước này. Nhu cầu thế giới giảm do tác động của tình hình Trung Quốc dự kiến sẽ còn tác động tiêu cực đến xuất khẩu thời gian tới.
Đơn cử, theo số liệu Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu của nhóm nông sản, thuỷ sản trong 8 tháng năm 2015 đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2014 do một số mặt hàng chủ lực như: thủy sản, cà phê, gạo, cao su giảm mạnh. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng giảm đến 46,6% so với cùng kỳ do giá dầu thô, than đá giảm liên tục.
Chính vì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm đến nay thấp hơn mục tiêu đề ra nên giới chuyên gia dự đoán xuất khẩu sẽ khó mà đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2015 (tương đương đạt 165 tỷ USD). Muốn đạt được thì các tháng cuối năm, mỗi tháng phải xuất khẩu trên 14,67 tỷ USD, cao hơn so với 8 tháng đầu năm khoảng gần 1,5 tỷ USD. Đây là con số không tưởng khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhu cầu hàng hóa giảm sút.
Mới đây, trên tờ Finacial Times có cho biết kinh tế thế giới đang đứng trước làn sóng giảm phát thứ ba. Có thể làn sóng thứ ba sẽ đến từ một cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi. Nếu điều đó xảy ra thì việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng thêm khó khăn.
Ngoài ra, việc biến động tỷ giá gần đây cũng có khả năng sẽ tiếp tục 'chọc ngoáy' vào kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Theo PGs.Ts Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), với một nền kinh tế có độ mở lớn cùng một cơ chế neo tỷ giá theo USD như Việt Nam, giá trị VND sẽ gia tăng so với hàng loạt các nước bạn hàng chủ chốt của Việt Nam như EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước ASEAN… Do đó, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu suy giảm, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và cán cân thương mại.
Cho nên, nếu nhìn vào xuất siêu của tháng 8 và ngẫm lại tình hình nhập siêu trong 8 tháng qua thì rõ ràng xuất siêu mới là nhất thời. Hãy nghĩ theo quy luật thị trường là 'mạnh được, yếu thua'.
Xuất siêu chỉ vững chắc và mang lại lợi ích khi Việt Nam có nền tảng đổi mới rõ nét, giảm dần xuất thô, tạo danh mục xuất khẩu chủ lực có giá trị cao. Doanh nghiệp trong nước phải thực sự có đủ nội lực trước hội nhập. Còn Nhà nước cần sớm có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nội thích nghi thị trường quốc tế, có chiến lược thị trường linh hoạt.
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư
-------------------------------
Nếu nhìn ở sức khỏe của nền kinh tế, sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp nội là điều không thể chối cãi. Mà doanh nghiệp nội yếu thì không thể tiếp thu được tinh hoa công nghệ do doanh nghiệp FDI mang tới. Doanh nghiệp trong nước yếu, Việt Nam cũng không thể có được một nền kinh tế tự chủ…
Thế Vinh
Theo stockbiz.vnView more random threads:
- TP.HCM: Trung bình có khoảng 90 doanh nghiệp “chết” mỗi ngày!
- Chốt mục tiêu tăng trưởng 2016 đạt 6,7%
- HSBC: Không cẩn thận, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp
- Xuất khẩu thủy sản gặp khó, người nuôi tôm "treo" ao
- “Ép” doanh nghiệp thay đổi
- Hà Nội: CPI tháng 10 tăng nhẹ
- Nhận hơn 10 lời chào mua, Big C Việt Nam được định giá 1,11 tỷ USD
- Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính ứng phó diễn biến giá dầu thế giới
- Tiền điện tháng 5 tăng đột biến
- Quan niệm sai về công nghiệp hỗ trợ?
Chương trình đào tạo từ xa của Đại học Đại Nam đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng học viên. Dù bạn là nhân viên văn phòng, cán bộ công chức hay học sinh vừa tốt nghiệp THPT, chương...
Đại học Đại Nam – Chọn học tập,...