Việc Ngân hàng Phát triển châu Á tái cấu trúc nguồn vốn cho vay sẽ tạo cơ hội mới cho Việt Nam trong việc tiếp cận ODA khi trở thành nước thu nhập trung bình.



Trao đổi với báo chí chiều qua sau khi nhậm chức Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick cho biết việc tổ chức này hợp nhất hai nguồn tài trợ là vốn vay thương mại (OCR) và vốn vay ưu đãi (ADF) sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các quốc gia thành viên. “Chưa biết nhu cầu của các nước như thế nào, nhưng tôi có thể nói nguồn cung vốn cho vay sẽ dồi dào hơn”, ông nói.



Việc sáp nhập Quỹ phát triển châu Á (ADF) và nguồn vốn thông thường (OCR) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong quá trình tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn vốn ODA, sau khi trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp. Dự kiến, nguồn cho vay và tài trợ hằng năm của ngân hàng sẽ tăng lên mức 20 tỷ USD, cao hơn 50% so với hiện tại, riêng với Việt Nam, dư nợ thậm chí có thể tăng 25% so với hiện nay.



Đại diện ADB khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam tái cấu trúc, thoát khỏi trì trệ và bám sát những chương trình, dự án ADB tài trợ, trên nền tảng xác định những thay đổi đang diễn ra trong chính sách liên quan đến hoạt động ODA từ cả hai phía. 'Ở Việt Nam đang có vấn đề về trần nợ công, các hoạt động cho vay vốn của ADB sẽ phải đáp ứng những yêu cầu về mức trần này', Sidgwick nhận định.



Ông Eric Sidgwick nhận chức Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam ngày 7/9/2015, chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các ưu tiên và bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ của ADB cho Việt Nam. Ông mang quốc tịch Pháp, có bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế của trường đại học John Hopkins và thạc sĩ kinh tế của trường đại hoc kinh tế và khoa học chính trị London.



Ông từng làm Giám đốc quốc gia của ADB tại Campuchia, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc ban hợp tác tiểu vùng - Vụ Đông Nam Á tổ chức này. Trước khi làm việc tại ADB, ông Sidgwick có 20 năm làm việc trên cương vị chuyên gia quốc tế về kinh tế vĩ mô tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).



Theo cam kết giai đoạn 2016 - 2018, mỗi năm ADB sẽ tài trợ cho Việt Nam hơn 1,2 tỷ USD. Kể từ khi các hoạt động hỗ trợ được khôi phục lại tại Việt Nam vào năm 1993, hỗ trợ của ADB đạt tổng trị giá 13,9 tỷ USD tính đến cuối năm 2014. Các lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất là giao thông và thông tin liên lạc, năng lượng, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên



Phương Linh










Theo stockbiz.vn