Trong khi cơ quan quản lý và người tiêu dùng (NTD) khá bức xúc vì đã nhiều lần yêu cầu giảm cước vận tải nhưng bất thành, thì các doanh nghiệp (DN) vận tải lại cho rằng mình vô tội, thậm chí họ đang phải bù lỗ. Theo các DN này, nếu cứ than giá cước taxi cao, người dân phải trách cơ quan quản lý nhà nước - người chịu trách nhiệm thẩm định giá, chứ họ không có lỗi.



Trong khi cơ quan quản lý và người tiêu dùng (NTD) khá bức xúc vì đã nhiều lần yêu cầu giảm cước vận tải nhưng bất thành, thì các doanh nghiệp (DN) vận tải lại cho rằng mình vô tội, thậm chí họ đang phải bù lỗ. Theo các DNnày, nếu cứ than giá cước taxi cao, người dân phải trách cơ quan quản lý nhà nước - người chịu trách nhiệm thẩm định giá, chứ họ không có lỗi.



Mới đây, một DN vận tải đã gửi thư ngỏ đến Hiệp hội Vận tải Hà Nội và cho rằng vừa qua, các DN vận tải bị dư luận chỉ trích là cố tình chây ì giảm cước, móc túi NTD là quá nặng nề, trong đó nhiều thông tin về mức tăng giảm giá nhiên liệu theo thời điểm kê khai giá cước của DN chưa chính xác đầy đủ.



Cùng với đó, trong thư ngỏ trên cũng cho biết việc các cơ quan truyền thông đưa tin về việc cơ quan chức năng ngành giao thông, ngành tài chính đã có các văn bản và biện pháp cứng rắn ép các DN vận tải phải giảm giá cước vận tải, gây bức xúc cho các DN vận tải theo tuyến cố định.



Doanh nghiệp 'kêu oan'



Trước thư ngỏ của DN, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Hội cũng khẳng định: 'Hiệp hội hoàn toàn nhất trí và đồng tình với các thông tin, lập luận, căn cứ chính xác và khoa học trên'.



Vì thế, theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Hiệp hội sẽ phối hợp với Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, gỡ rối cho các đơn vị vận tải cố định.



Đồng thời, trước thông tin cước taxi Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực, trong khi giá xăng Việt Nam rẻ hơn các nước trên, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho rằng cước taxi ở nước ta cao hơn một số nước là có nhiều nguyên nhân.



Để dẫn chứng, ông Thanh cho biết như hiện nay, tỷ lệ xe chạy 'rỗng' còn rất lớn. Bên cạnh đó, do không có chỗ đỗ xe, nên taxi phải chạy lòng vòng trên nhiều tuyến đường khiến chi phí tăng cao.



Đặc biệt, để 'kêu oan', ông Nguyễn Minh Hưng - Giám đốc taxi Mai Linh tại Tp.HCM, khẳng định không có chuyện DN kinh doanh taxi đang 'ăn trên lưng' của NTD, bởi lợi nhuận của Mai Linh hiện rất thấp, chỉ khoảng 5%.



Trong khi đó, một chiếc taxi ở Mai Linh ngoài chi phí đầu tư ban đầu còn phải bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình vận hành, cũng như chịu nhiều loại thuế và phí khác nhau. Do vậy, ông Hưng cho rằng nếu chi phí 'đầu vào' giảm, giá taxi cũng không ngại ngần từ chối giảm như hiện nay.



Đồng tình với quan điểm của ông Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM cũng khẳng định hiện nay, một chiếc taxi đang phải cõng nhiều loại phí, trong khi các thuế, phí kinh doanh cũng rất cao. DN vận tải không phải không muốn giảm, mà không thể giảm được.



Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội cũng cho rằng: 'Cần phải xác định rõ ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phải phạt người có thẩm quyền trước. Ai đồng ý cho giá cước như thế mà giờ lại nói là cao hay thấp? Việt Nam cần có một cơ quan khảo sát, đánh giá, nghiên cứu thực sự để biết giá cước có hợp lý hay không'.Đúng là những lý lẽ mà các DN vận tải đưa ra không phải là không có lý. Nhưng ở khía cạnh NTD, cũng không thể không bức xúc được, khi tính từ giữa tháng 6 đến nay, giá xăng RON 92 đã giảm 5 lần liên tiếp, tổng cộng gần 3.400 đồng/lít và tính chung trong năm 2015, giá xăng RON 92 đã trải qua 7 lần giảm (tổng cộng 5.588 đồng) và 4 lần tăng (tổng cộng 5.040).



Người tiêu dùng thấy thiệt



Nhìn lại lịch sử tăng giảm của xăng dầu trong năm 2015, cũng cho thấy nếu như những lần xăng dầu tăng, việc các DN vận tải đề xuất tăng giá là điều không còn xa lạ với NTD. Còn với những lần giảm giá xăng dầu, các DN vận tải lại vờ như không biết, im hơi lặng tiếng với giá cước, bất chấp cả sự can thiệp của cơ quan quản lý.



Như đợt tăng giá xăng ngày 20/5/2015 thêm 1.200 đồng/lít, cước vận tải khi ấy đã đòi tăng theo. Cụ thể, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sau 2 đợt điều chỉnh trong tháng 5, giá xăng đã tăng gần 20%. Mặt hàng này chiếm khoảng 40% chi phí của hoạt động taxi, nên giá taxi sẽ tăng khoảng 8%.



Khi đó, không chờ lâu, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đã cho biết ngày hôm sau, Hiệp hội sẽ họp với các DN taxi thành viên tại Hà Nội để tính toán, cân đối phương án kinh doanh.



'Với mức tăng 2.000 đồng/lít xăng, việc tăng giá là khó tránh khỏi và cũng hợp lý. Còn tăng ở mức nào là tùy thuộc từng DN, sự gồng gánh và cân nhắc bài toán kinh doanh của DN. Có thể cũng sẽ có những DN kìm nén, chấp nhận không tăng giá nhưng đồng nghĩa, họ sẽ phải bù lỗ trong một giai đoạn nhất định', ông Bình cho biết.



Như vậy, có thể thấy nghịch lý là khi muốn tăng giá cước theo giá xăng, DN vận tải đều đề cập đến vấn đề xăng dầu chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động vận tải. Nhưng ngược lại, khi giá xăng giảm, các DN vận tải lại đưa ra lý do là hoạt động vận tải không chỉ có xăng dầu quyết định giá, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như thuế, phí, phí bảo hành, bảo dưỡng…



Lê Thúy










Theo stockbiz.vn