Theo mô hình kinh tế lượng toàn cầu, nếu đồng Nhân dân tệ mất giá 3%, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm 0,006% trong quý IV/2015 nhưng sẽ tăng thêm 0,003% trong năm 2016. Nếu giá dầu xuống 40 USD, mức tăng trưởng sẽ giảm 0,04% trong năm tới.



Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và giá dầu giảm dự kiến sẽ có tác động nhiều chiều tới nền kinh tế Việt Nam.



Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) vừa đưa ra 2 giả định cho kinh tế Việt Nam dựa trên mô hình kinh tế lượng toàn cầu (NiGEM).



Trong giả định thứ nhất, NCIF đưa ra kịch bản đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 3%. Theo đó, kinh tế Trung Quốc được đánh giá sẽ cải thiện, đồng thời nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam chủ yếu là hàng thô nên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung trong quý IV/2015 sẽ tăng 0,08% và tăng thêm 0,10% trong năm 2016 so với kịch bản không có cú sốc phá giá của Trung Quốc.



Do Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là nhóm hàng trung gian và tư liệu sản xuất, trong đó nhóm hàng bán thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất, nên khi đồng Nhân dân tệ mất giá, nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên với mức tăng 0,09% trong quý IV/2015 và tăng 0,11% trong năm 2016 so với kịch bản không có cú sốc.



Từ giả định này, NCIF cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm đi 0,006% trong quý IV/2015, nhưng sẽ tăng thêm 0,003% trong năm 2016.



Với cú sốc này, đồng VND sẽ tăng giá 0,5%, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm 8,9% trong quý IV/2015 và giảm 3,1% trong năm 2016 so với kịch bản không có cú sốc.







Trong giả định thứ hai, NCIF đưa ra kịch bản giá dầu bình quân của thế giới giảm xuống mức 40 USD/thùng. Trong trường hợp này, NCIF cho rằng do kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn suy giảm nghiêm trọng, nên chi tiêu chính phủ và tổng cầu nội địa của các quốc gia này giảm mạnh, kéo theo nhu cầu hàng hóa của các quốc gia này từ các nền kinh tế phát triển giảm. Tuy nhiên, kinh tế của các nước chịu tác động tiêu cực với các mức độ khác nhau tùy theo mức độ phụ thuộc lẫn nhau.



Mô hình NiGEM cho thấy nền kinh tế khu vực EU28 hay Eurozone và Nga có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nên khi kinh tế Nga suy giảm thì kinh tế của các nước EU28 hay Eurozone cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.



Theo giả định này, tăng trưởng kinh tế của thế giới có thể giảm 1,22% trong quý IV/2015 và giảm 0,68% trong năm 2016 so với kịch bản cơ sở là giá dầu ở mức 56,6 USD.



Do tăng trưởng kinh tế của Mỹ và EU28 hay Euronoze giảm, nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chịu tác động tiêu cực với mức giảm 0,48% trong quý IV/2015 và giảm 0,04% trong năm 2016.







Trung Nghĩa










Theo stockbiz.vn