Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để sửa đổi Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên mới. Theo đó, nhiều loại khoán sản thuế suất sẽ tăng từ 3-5%.



Phản ứng trước việc tăng thuế, nhiều doanh nghiệp khoáng sản cho rằng tăng thuế suất thuế tài nguyên trong bối cảnh giá khoáng sản thế giới giảm sâu là chưa đảm bảo tính ổn định của chính sách, từ đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và khiến một phần tài nguyên sẽ nằm lại trong lòng đất do chi phí khai thác quá cao.



Tăng thuế suất tài nguyên là hợp lí



Trước các ý kiến trái chiều, Bộ Tài Chính đã chính thức lên tiếng và vẫn giữ quan điểm tăng thuế suất tài nguyên là cần thiết.



Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài Chính cho biết các nhóm tài nguyên đang được chúng ta khai thác, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí, cụ thể:



Nhóm khoáng sản kim loại: Khoáng sản kim loại là loại tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc khai thác một số khoáng sản kim loại vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên; đa số các khoáng sản kim loại chưa được chế biến sâu.



Nhóm khoáng sản không kim loại: Đây cũng là loại tài nguyên không tái tạo, một số là nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, một số là vật liệu không thể thiếu của ngành xây dựng. Hiện nay, việc khai thác, sử dụng một số khoáng sản không kim loại vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài nguyên (như đá hoa trắng, cát, đá, sỏi ...); một số loại khoáng sản không kim loại cần phải hạn chế khai thác để đảm bảo sản xuất trong nước hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế (như than, gờ-ra-nít, đất làm gạch...).



Nhóm nước thiên nhiên: Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, trong khi tình trạng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả sử dụng nước thấp, thiếu bền vững gây suy giảm nguồn tài nguyên nước.



'Để góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu trong nước trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là một trong những giải pháp cần thiết, có tính khả thi', ông Thi cho biết.



Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, đảm bảo bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên, là một trong những công cụ tài chính có hiệu quả.



Nhiều nước đã dùng thuế nội địa thay thế cho thuế xuất nhập khẩu



Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm trong quá trình hội nhập quốc tế.



Trung Quốc đã thực hiện cải cách chính sách thuế tài nguyên, trong đó đã thay đổi cách tính thuế tài nguyên để tăng nguồn thu NSNN khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới; Indonesia đã tăng mức thuế suất thuế tài nguyên từ tháng 1/2015 khi dự kiến phải thực hiện cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế.



Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.



Tại Điều 7 Luật thuế tài nguyên, Quốc hội đã quy định khung thuế suất thuế tài nguyên và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên cho phù hợp từng thời kỳ, đảm bảo các nguyên tắc: Phù hợp với danh mục, nhóm loại tài nguyên và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hội quy định; Góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên; bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên; Góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường.



'Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay nhằm góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị lớn, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN', ông Thi khẳng định.



Để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để ổn định sản xuất, dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài Chính cũng đã đưa ra lộ trình áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên mới đối với một số loại khoáng sản hiện đang gặp khó khăn trong khai thác.



Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên vẫn đảm bảo nằm trong khung thuế suất thuế tài nguyên do Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày Luật thuế tài nguyên có hiệu lực thi hành 01/7/2010 đến nay. Mặt khác để tránh rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp thường đã phải tính toán kỹ lưỡng các chi phí đầu tư, sản xuất kinh doanh, trong đó có các chi phí về thuế theo mức thuế suất trần trong khung thuế suất do Quốc hội quy định



Bạch Dương










Theo stockbiz.vn