Lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng 73%, đầu tư khu vực tư nhân tăng trên 11% đã phần nào cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục vĩ mô năm nay, bên cạnh kịch bản ứng phó với diễn biến thị trường, vẫn cần những chính sách cụ thể.



Thêm DN, tăng đầu tư



Thông tin tại chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Chỉ 50 ngày đầu tiên kể sau khi Luật DN và Luật Đầu tư mới có hiệu lực (1/7/2015), số DN đăng ký mới là hơn 13.000, tăng tới 73% so với cùng kỳ năm trước. Ông Vinh cho rằng, kinh tế phục hồi, môi trường vĩ mô ổn định, thủ tục tham gia thị trường minh bạch là những yếu tố tác động tích cực đến số DN thành lập mới,



Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN 8 tháng qua đã cải thiện tích cực; thị trường cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Cụ thể: Khu vực sản xuất tăng khá, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 9,9% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều so với mức 6,3% của cùng kỳ năm 2014. Số DN thành lập mới tăng 29,2% về lượng và 29,9% về vốn; DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2014.



Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: Tình hình sản xuất, kinh doanh khu vực DN tiếp tục đà cải thiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2015 ước tăng 10,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,4%). Đây là mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.



Cần chính sách hỗ trợ DN cụ thể



“Sức khỏe” của DN đã có sự cải thiện. Tuy nhiên, để cộng đồng DN, nhất là các DN vừa và nhỏ (SME) có thể trụ vững thì rất cần những chính sách cụ thể hơn nữa từ các cơ quan quản lý.



Theo đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong Báo cáo Theo dõi tài chính SME châu Á 2014 vừa công bố: Chính phủ cần hỗ trợ các SME trở nên cạnh tranh hơn và có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. ADB cho biết, tỷ lệ cho vay dành cho các SME đã giảm xuống trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và năm 2014, khu vực này chỉ nhận được 18,7% trong tổng số các khoản cho vay của ngân hàng. Vì thế, cần tạo điều kiện cho các SME tiếp cận dễ hơn với các hỗ trợ tài chính mới, đơn cử như hỗ trợ tài chính chuỗi cung ứng.



Ở góc độ vĩ mô, mặc dù có những tác động không mấy thuận lợi từ kinh tế thế giới nhưng Ủy ban Giám sát tài chính vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 sẽ vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%). Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay, Ủy ban khuyến nghị: Cùng với việc theo dõi “sức khỏe” của kinh tế thế giới cần theo dõi hàng ngày diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa. Mặt khác, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động.






Công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. Vì vậy, thông điệp chính sách cần rõ ràng, linh hoạt, đảm bảo tính nhất quán trong thông tin.






Thùy Linh










Theo stockbiz.vn