18,8 tỷ USD là kim ngạch Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam 8 tháng qua, đưa nước này chỉ đứng sau Trung Quốc về mức nhập siêu ở nước ta. Và dĩ nhiên, những thua thiệt, bất cập trong chênh lệch xuất nhập lại càng lộ rõ. Liệu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc hiệu lực từ năm 2016 có cải thiện nhập siêu?



Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) của Hàn Quốc vào Việt Nam trong 8 tháng 2015 đã tăng đến 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam sang thị trường này không tới 1/3 con số NK, chỉ đạt 5,1 tỷ USD (dù tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước).



Thực trạng chênh lệch xuất nhập này (NK cao gấp 3,7 lần XK) cần nhìn nhận ở những khía cạnh nào?



Chênh lệch xuất nhập



Trước hết là yếu tố mất cân đối về cơ cấu xuất nhập. Việt Nam chủ yếu nhập từ Hàn Quốc các sản phẩm có kim ngạch lớn (chiếm gần 14% tổng KNNK của Việt Nam).



Thứ nhất là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử (8 tháng 2015 đạt 3,89 tỷ USD, tăng 38,9% so cùng kỳ). Thứ hai là các loại máy móc, thiết bị (đạt 3,12 tỷ USD, tăng đến 81%). Thứ ba là điện thoại và các loại linh kiện (đạt 1,48 tỷ USD, tăng 57,6%). Thứ tư là nguyên phụ liệu dệt may, da giày (đạt 1,37 tỷ USD trong 7 tháng 2015). Thứ năm là nhập sắt thép (đạt 701 triệu USD trong 8 tháng qua, tăng 92,6). Thứ sáu là mặt hàng sản phẩm chất dẻo (đạt 620 USD, tăng tới 44%)...



Riêng lượng ôtô NK nguyên chiếc, trong 7 tháng năm 2015, trong số 64.420 chiếc xe NK (trị giá là 1,71 tỷ USD), Việt Nam đã nhập tới 14.200 chiếc từ Hàn Quốc, tăng 54,3% so với năm ngoái và chỉ đứng sau Trung Quốc.



Ngược lại, Việt Nam khi xuất sang Hàn Quốc chủ yếu là những mặt hàng có kim ngạch thấp như dệt may, da giày hoặc các xuất thô như nhóm nhiên liệu, khoáng sản, dầu thô, than, hàng thủy sản, cao su, gỗ…



Trong 8 tháng qua, dệt may là nhóm hàng XK nhiều nhất sang Hàn Quốc, đạt 937,7 triệu USD, chiếm 21,3% tổng KNXK sang Hàn Quốc.



Kế đến là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 542,2 triệu USD, tăng 184,2% so cùng kỳ năm 2014 (chiếm 12,3% tổng KNXK sang thị trường này). Thế nhưng, việc XK này đơn thuần là gia công lắp ráp cho hệ thống nhà máy Sam Sung (DN FDI, 100% vốn Hàn Quốc) tại Việt Nam, hầu hết linh kiện nhập từ Hàn Quốc, sau đó xuất lại nước này nên GTGT thấp.



Nhắc đến vấn đề XK của nhà máy Sam Sung, có thể liên hệ đến nhận định về tình hình xuất nhập trong 8 tháng qua của Bộ Công Thương, trong đó lưu ý rằng việc tăng trưởng XK phụ thuộc khá lớn vào sản phẩm XK của một số ít DN FDI chưa bảo đảm tính bền vững trong tăng trưởng XK, nhất là trong trường hợp các DN này bị suy giảm doanh số tiêu thụ hay gặp những biến cố bất thường khác.



Điều đáng bàn là mấy năm nay, XK điện thoại của Samsung tăng chóng mặt. Năm 2013, 2 tổ hợp Samsung Việt Nam ở Bắc Ninh và Thái Nguyên XK được 23 tỷ USD. Năm 2014, XK 26,3 tỷ USD.



Con số này dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD cho năm 2015. Trong khi đó, chỉ có khoảng 4 DN Việt Nam ký được hợp đồng trực tiếp cho Samsung để làm nhà cung cấp với trị giá ít ỏi 35 triệu USD trong năm 2014.



Theo đánh giá, DN trong nước cung cấp cho Samsung chủ yếu là bao bì, dịch vụ in ấn... Còn hàng loạt chi tiết, linh kiện đều được NK từ Hàn Quốc hay lấy từ DN vệ tinh của họ tại Việt Nam. Con số này được dự báo có thể tăng lên trong năm nay, vào khoảng 15% với 45 triệu USD sau khi Samsung cân nhắc lựa chọn thêm một số DN tiềm năng khác của Việt Nam để làm nhà cung cấp.



Nhưng con số trên vẫn cực thấp so với số kim ngạch mà Samsung nhập từ Hàn Quốc. Điều đó phản ánh một thực tế là các DN Việt thuộc ngành công nghiệp phụ trợ chưa đủ sức cạnh tranh với các công ty Hàn Quốc trong việc cung ứng linh phụ kiện cho Samsung tại Việt Nam hay các DN FDI Hàn Quốc. Do đó, chuyện NK phụ kiện, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị từ Hàn Quốc ngày càng tăng mạnh là khó tránh khỏi.



Khó ta, dễ người



Vấn đề thứ hai là yếu tố Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) vừa ký kết vào đầu tháng 5/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, liệu có cải thiện nhập siêu?



Theo nhận định của các chuyên gia, VKFTA sẽ giúp DN Việt Nam thêm cơ hội XK, nhưng khó cải thiện nhập siêu từ Hàn Quốc trong một sớm một chiều. Do khơi thông dòng chảy thương mại và đầu tư từ VKFTA nên nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc không những không giảm mà còn được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.



Đề cập vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý: Nhóm XK chủ lực như dệt may, nông lâm, thủy sản sẽ được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, nếu làm không khéo, ta sẽ có một ngành công nghiệp phụ trợ tăng trưởng cao nhưng lại phụ thuộc phần lớn vào vốn FDI của Hàn Quốc.



Một trong những thách thức mà các DN nội đối mặt khi VKFTA có hiệu lực, theo bà Phạm Chi Lan, đó là năng lực cạnh tranh của DN vẫn ở mức thấp, còn các ngành công nghiệp phụ trợ thì chưa phát triển. Bên cạnh đó, nó sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các DN trong nước, đặc biệt với những DN chậm đổi mới công nghệ, năng lực quản lý thấp, nhất là các DNNVV.



Cần nhắc lại hồi tháng 5/2015, tại hội thảo ở Tp.HCM về nội dung cam kết và tác động tới DN Việt Nam trong VKFTA, ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á (Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương) cho rằng: Việc Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc hiện nay là tích cực, do đó trong thời gian ngắn, chưa đáng lo ngại vì Việt Nam NK từ nước này chủ yếu là nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất của DN Hàn Quốc tại Việt Nam để XK sang các thị trường khác và XK ngược lại Hàn Quốc không đáng kể.



Nói như vậy, chẳng khác nào cứ để đà nhập siêu từ Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh mà không có giải pháp kéo giảm, cân bằng? Và, chẳng khác nào tiếp tục chấp nhận mãi mãi kiếp gia công giá rẻ cho các công ty Hàn Quốc (?!)



Không phủ nhận với VKFTA, sẽ giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả NK đối với các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, XK chủ lực; giảm phụ thuộc NK từ thị trường Trung Quốc, góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu.



Thế nhưng, không vì lẽ đó mà không trăn trở để xây dựng công nghiệp phụ trợ có nội lực mạnh hơn và tự chủ khâu nguyên vật liệu ở các mặt hàng chính như dệt may, da giầy, linh phụ kiện, máy móc, sắt thép… để tránh phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc như bây giờ? Các cơ quan quản lý kinh tế, các nhà hoạch định chính sách đang nghĩ gì, làm gì trước thực tế nhập siêu trầm kha, khó gỡ này?



Thế Vinh










Theo stockbiz.vn