Chưa lúc nào doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) khổ như lúc này, nhất là biến động tỷ giá. Nhưng trong họp báo mới đây của Bộ Công Thương, một lãnh đạo Cục XNK cho rằng phá giá đồng Nhân dân tệ không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động XNK. Những nhận định 'lạc điệu' như vậy không phải hiếm.…



Kể từ lúc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ gây 'tác động dây chuyền' hồi giữa tháng 8/2015, đến nay gần một tháng, cũng là giai đoạn biến động mạnh về tỷ giá, trở thành nỗi khổ lớn của các doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chưa kể, tính trong tháng 8/2015 và 8 tháng qua, kim ngạch nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đã lên tới gần 22,3 tỷ USD.



Các chuyên gia kinh tế cũng nhiều lần lên tiếng việc đồng Nhân dân tệ mất giá gây tác động tiêu cực lên cán cân thương mại Việt Nam và tạo áp lực lên tiền đồng, thương mại, chứng khoán, đầu tư



Chủ quan với Nhân dân tệ?



Rõ ràng ai ai cũng nhận thấy hệ quả từ chính sách phá giá Nhân dân tệ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu như thế nào. Thế nhưng, điều lạ tại buổi họp báo của Bộ Công Thương hôm 4/9 vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, cho rằng việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.



Phát biểu như vậy liệu có quá chủ quan hay không và đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của một lãnh đạo ở Cục xuất nhập khẩu hay chưa? Cụ thể hơn, ông Trần Thanh Hải còn cho biết với ngành Dệt may và Da giày, chúng ta đang sử dụng nguồn nguyên liệu lớn từ phía Trung Quốc, khi đồng Nhân dân tệ xuống thấp, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cạnh tranh hơn. Điều này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cho các mặt hàng dệt may và da giày.



Và đó cũng là một cách gián tiếp vị lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu 'cổ suý', thừa nhận vì sao nhập siêu từ Trung Quốc lại tăng mạnh đến như vậy (?!). Không có gì để đáng tự hào với một ngành dệt may, da giày mà bản thân chỉ gia công, còn nguyên phụ liệu thì phụ thuộc phần lớn nguồn cung từ Trung Quốc.







Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, nếu không giảm nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, ngành dệt may sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU do Quy tắc Xuất xứ hàng hóa (CRO) ngày càng ngặt nghèo trước các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.



Điều đáng nói, ngay trong báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 8 tháng năm 2015, Bộ Công Thương đã cảnh báo việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ, về lâu dài, khi hàng hóa của Trung Quốc ngày càng rẻ sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng xuất vào Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường truyền thống khác của Việt Nam.



Bộ Công Thương còn lưu ý các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục duy trì các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, lưu ý theo dõi sát diễn biến tỷ giá một số đồng ngoại tệ, đặc biệt là tỷ giá đồng Nhân dân tệ, để kịp đề xuất biện pháp ứng phó.



Những nhận định 'lạc điệu' với nỗi khổ tỷ giá của doanh nghiệp xuất nhập khẩu như cục phó Trần Thanh Hải không phải là duy nhất… Còn nhớ, hồi cuối tháng 8/2015, trong báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ tháng 8, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra nhận định thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung không bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều do việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ.



Tuy vậy, Ủy ban này cũng cho biết thêm, nhận định này còn tùy thuộc 'sức khỏe' nền kinh tế Trung Quốc, số liệu thống kê có minh bạch, chính xác hay không. Vì thế, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến nghị Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế – xã hội; và cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp.



'Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'



Không biết nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có chính xác hay không. Chỉ biết rằng tính từ đầu năm tới nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD. Ở những thời điểm tỷ giá biến động mạnh, nhất là khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND, nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ kêu trời vì lỗ do tỷ giá. Nhiều doanh nghiệp có nợ vay bằng ngoại tệ đã phải chịu lỗ tỷ giá hàng trăm tỉ đồng.



Và trong buổi họp giao ban hôm 4/9 vừa qua của Bộ Công Thương, các 'ông lớn' Nhà nước như Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kêu than lỗ nặng do chênh lệch tỷ giá.



Riêng TKV cho biết chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, đến sản xuất điện khiến TKV bị lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Còn PVN cũng cho biết việc điều chỉnh tỷ giá khiến Tập đoàn này_phải vay lượng lớn ngoại tệ để thực hiện các dự án lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. EVN cũng cho biết chênh lệch tỷ giá đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất điện của tập đoàn.



Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp niêm yết sở hữu khối lượng lớn ngoại tệ cũng bị ảnh hưởng nặng. Trong báo cáo mới nhất của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã liệt kê một số công ty niêm yết bị lỗ do tỷ giá như: công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) _bị lỗ tỷ giá 213,8 tỉ đồng. công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) giả định tỷ giá EUR/USD cuối tháng 8 được giữ nguyên thì công ty này sẽ ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá lên đến 224 tỉ đồng trong quý III này. Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (HT1) có nợ ngoại tệ ước tính trên 84 triệu EUR vào cuối năm 2014, dự kiến quý III, lỗ tỷ giá của HT1 có thể lên gần 87 tỷ đồng…



Điều đáng nói từ hệ lụy biến động tỷ giá, đó là việc các doanh nghiệp đang lo lắng là giá điện bán lẻ sẽ tăng khi các 'ông lớn' nhà nước như TKV, PVN mới đây đã đề xuất chuyển khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá trong tháng 8/2015 vào giá bán điện.



Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng thừa nhận, nếu khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá lớn sẽ có ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu EVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong tháng 9 và tập hợp báo cáo lên Bộ trong tháng 10 tới về biểu giá điện bán lẻ.



Thực tình, nếu việc tăng giá điện diễn ra trong thời điểm này sẽ là một thiệt thòi lớn, khó khăn chồng chất khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bởi vì doanh nghiệp sẽ đội thêm rất nhiều chi phí phát sinh, tăng thêm chi phí sản xuất đầu vào. Như thế, doanh nghiệp vốn đã khó vì tỷ giá nay lại càng thêm khổ.



Và như vậy, không có doanh nghiệp nào ngây thơ đi tin vào nhận định 'phá giá Nhân dân tệ không ảnh hưởng tiêu cực đến XNK, nền kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp' (?!) Bởi vì nó không phản ánh đúng thực trạng nỗi khổ của doanh nghiệp!







Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương



-------------------------------

Tư duy quản lý vẫn là đứng ở bề trên so với doanh nghiệp để điều hành, chỉ bảo chứ không phải là đứng bên cạnh để hỗ trợ, nâng đỡ. Cả bộ máy có bệnh 'nghiện' quản lý, 'nghiện' ra lệnh nên tạo ra đủ thứ rào cản chứ đừng nói đến hỗ trợ.









Thế Vinh










Theo stockbiz.vn