Mới đây, Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc cùng Hội Đá trắng Lục Yên – Yên Bái đã có văn bản góp ý vềdự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên.



Tăng thuế tài nguyên để bù đắp phần miễn giảm thuế khi tham FTA là không hợp lí!



Cụ thể, các doanh nghiệp khoáng sản cho rằng việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ gây ra một số tác động:



Thứ nhất, tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác khoáng sản, khiến các doanh nghiệp đã đi vào khai thác chỉ tập trung khai thác ở phần quặng giàu với chi phí khai thác thấp mà bỏ lại quặng nghèo, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.



Thứ hai, tăng thuế tài nguyên chỉ tác động đến các doanh nghiệp khai thác hợp pháp, làm ăn chân chính, gây tăng giá trên thị trường của nhiều loại khoáng sản, từ đó khuyến khích khai thác trái phép. Điều này đi ngược lại chủ trương quản lý hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.



Thứ ba, tăng thuế suất có thể tác dụng tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ làm giảm thu ngân sách trong dài hạn. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do tổng lượng khoáng sản khai thác được sẽ giảm, từ đó làm giảm tổng số tiền thuế phải nộp, cả về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.



Thứ tư, các chính sách thuế thay đổi liên tục trong một khoảng thời gian ngắn sẽ gây mất ổn định môi trường kinh doanh của Việt Nam, khiến các doanh nghiệp không muốn đầu tư sâu vào chế biến khoáng sản mà chỉ tập trung vào khai thác nhỏ lẻ, bán khoáng sản thô. Nhìn rộng hơn, điều này đi ngược lại Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.



Thứ năm, việc tăng thuế tài nguyên để bù đắp thuế xuất khẩu khoáng sản sẽ bị giảm và xóa bỏ từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán là không hợp lý về mặt thời gian cũng như công cụ quản lý.



'Chúng tôi đề nghị Nhà nước cân nhắc lại đề xuất tăng thuế tài nguyên đối với khoáng sản mà tập trung vào các biện pháp như chống khai thác trái phép, thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, công nghệ khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường, và các chính sách về quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản', nhóm DN khoáng sản lên tiếng.



Tăng thuế sẽ khiến một phần tài nguyên quốc gia bị bỏ lại trong lòng đất



Hiện nay, đối với việc quản trị tài nguyên khoáng sản, nhiều người có quan điểm cho rằng “cơm không ăn thì gạo còn đó”, không khai thác bây giờ thì sẽ để dành cho thế hệ tương lai sau này.



'Chúng tôi đồng tình với quan điểm cần phải gìn giữ tài nguyên quốc gia cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, điều này nên được thực hiện thông qua các chính sách về quy hoạch, cấp phép và chống khai thác trái phép. Việc tăng thuế tài nguyên thậm chí còn đi ngược lại quan điểm quản lý trên', văn bản nêu.



Mỗi mỏ khoáng sản luôn có trữ lượng khoáng sản được ghi trong giấy phép khai thác và do cơ quan nhà nước xác định. Theo khái niệm được công nhận rộng rãi tại Việt Nam và trên toàn thế giới, trữ lượng là lượng tài nguyên có thể khai thác được và mang lại giá trị kinh tế.



Điều này có nghĩa là trữ lượng khoáng sản chỉ được tính tại những phần quặng có hàm lượng đủ lớn (cao hơn hàm lượng công nghiệp tối thiểu) sao cho chi phí khai thác thấp hơn giá tài nguyên bán ra.



Các phần quặng quá nghèo - có hàm lượng thấp hơn hàm lượng công nghiệp tối thiểu thì sẽ không bao giờ được khai thác do càng khai thác phần này thì càng lỗ. Nói cách khác trữ lượng khoáng sản của một mỏ không phải là con số cố định mà phụ thuộc vào giá bán tài nguyên cũng như chi phí khai thác.



Thuế tài nguyên sẽ được tính vào chi phí khai thác của doanh nghiệp. Việc tăng thuế tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác, từ đó làm tăng hàm lượng công nghiệp tối thiểu từ đó làm giảm trữ lượng của một mỏ khoáng sản.



Ví dụ, trong điều kiện giá cả, chi phí khai thác, các loại thuế, phí xác định, một mỏ khoáng sản được cấp phép với trữ lượng 10.000 tấn với hàm lượng công nghiệp tối thiểu 0,5%.



Khi tăng thuế, doanh nghiệp sẽ buộc phải bỏ lại những phần khoáng sản nghèo (do càng khai thác phần này sẽ càng lỗ) mà chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu dẫn đến hàm lượng công nghiệp tối thiểu tăng lên, ví dụ là 0,6%.



Với hàm lượng 0,6% thì tổng trữ lượng khoáng sản không còn được 10.000 tấn nữa mà giảm xuống chỉ còn 8.000 tấn. Như vậy, sẽ có ít nhất 2000 tấn tài nguyên khoáng sản sẽ bị bỏ lại trong lòng đất.



Theo đó các DN khoáng sản kiến nghị: 'Chúng tôi cho rằng đề xuất tăng thuế lần này sẽ không giúp đạt được mục tiêu trên, thậm chí có thể tạo ra tác động ngược lại bởi hai lý do. Thứ nhất, tăng thuế sẽ khiến một phần tài nguyên quốc gia bị bỏ lại trong lòng đất và không thu hồi được. Thứ hai, tăng thuế sẽ làm gia tăng các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và đi kèm với rất nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội - môi trường to lớn'



Nâng thuế suất nhiều loại khoáng sản



Bộ Tài chính vừa mới ban hành và hiện đang lý ý kiến về biểu thuế tài nguyên mới, trong đó thuế nhiều tài nguyên sẽ được tăng đáng kể:



+Sắt: tăng từ 12% lên 15%;



+Titan: tăng từ 16% lên 18%;



+Vàng: tăng từ 15% lên 20%;



+Ni-ken: tăng từ 10% lên 16%;



+Wonfram, antimoan: tăng từ 18% lên 20%;



+Đồng:tăng từ 13% lên 18%;



+ Các khoáng sản kim loại còn lại: tăng tương ứng lên thêm 3 điểm phần trăm.



+Than: từ 7% lên 10% và từ 9% lên 12% tùy loại;



+Cát:tăng từ 11% lên 15%;



+Cát làm thủy tinh:tăng từ 13% lên 15%;



+Granite:tăng từ 10% lên 15%;



+ Các khoáng sản không kim loại còn lại: tăng tương ứng lên thêm 3 điểm phần trăm. Riêng kim cương, ru-bi, sa-phia... tăng tương ứng lên thêm 5 điểm phần trăm.



Nếu được thông qua, số thu từ thuế tài nguyên tăng khoảng 3.367 tỉ đồng/năm và tổng số thu thuế tài nguyên (trừ dầu thô, khí thiên nhiên, khí than) đạt khoảng 14.159 tỉ đồng/năm.

Bạch Dương










Theo stockbiz.vn