Hẳn là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không vui trước việc Bộ Tài chính vừa bác đề xuất tiếp tục giảm thuế nhập khẩu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng biết sao được, đã hội nhập là chấp nhận cuộc chơi! Các doanh nghiệp nhà nước vốn quen được nuông chiều, hãy nhìn vào đấy mà tự răn mình, tại sao bám riết cơ chế xin cho, ưu đãi rồi than lỗ?



Câu chuyện Bộ Tài chính mới đây quyết giữ nguyên thuế nhập khẩu với xăng và dầu diesel như hiện hành của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (chứ không tiếp tục ưu đãi giảm thuế theo đề xuất của PVN) đã cho câu trả lời tương đối sòng phẳng 'lời ăn lỗ chịu' đối với khối doanh nghiệp nhà nước.



Tuy nhiên, thái độ quyết tâm này vẫn chưa thực sự dứt khoát, khi tại cuộc họp báo của Chính phủ hôm 1/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: 'Nếu có tác động bất lợi cho Dung Quất, tạo ra việc khách hàng sẽ chuyển sang mua xăng dầu nhập khẩu thì Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Công Thương xem xét đánh giá'.



'Bầu sữa' ưu đãi thuế



Như vậy nghĩa là sao? Nếu giữ nguyên mức thuế ấy, khi thị trường xăng dầu trong nước diễn biến xấu, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất sản xuất kinh doanh lỗ lãi thì liệu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có tiếp tục chìa tay ra cứu đỡ bằng các công cụ ưu đãi?



Theo giải thích của Thứ trưởng Vũ Thị Mai, khi giá xăng dầu trên thế giới giảm và khi thực hiện các hiệp định FTA và ATIGA (Hiệp định thuế áp dụng đối với các nước thành viên ASEAN), Việt Nam phải thực hiện cam kết và giảm thuế.



Khi đó, Bộ Tài chính đã xem xét kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu đối với Dung Quất và đã giảm phù hợp. Còn mức thuế nhập khẩu như hiện hành, vẫn đảm bảo được sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động XNK xăng dầu của Dung Quất.



Trên thực tế, sau khi liên tục được giảm thuế, NMLD Dung Quất và PVN lại tiếp tục xin ưu đãi thêm và dọa đóng cửa nhà máy dù mấy năm liền báo lãi. Bằng chứng là lợi nhuận sau thuế năm 2014 của công ty lọc hoá dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đạt tới 1.802 tỷ đồng. Gần đây nhất, 6 tháng đầu năm 2015, dù giá dầu giảm mạnh nhưng Dung Quất vẫn nộp ngân sách 13,5 nghìn tỷ đồng (đạt 84% kế hoạch 2015).









PVN bao biện kết quả sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất chịu tác động rất lớn từ theo mức thuế nhập khẩu (3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với khí LPG, 7% đối với xăng dầu). Trước khi bán ra thị trường, sản phẩm của Dung Quất được cộng vào giá bán 3-7% thuế nhập khẩu (tùy sản phẩm)…Nếu không có ưu đãi, Dung Quất đã lỗ lên tới 27.600 tỷ đồng trong 5 năm (2009 – 2014).



Có thể dễ dàng nhận ra những ưu đãi thuế của Nhà nước mà Dung Quất đang hưởng lợi như: mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, trong đó miễn hoàn toàn 4 năm đầu từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu khác…



Rõ ràng có nhiều ưu ái cho NMLD Dung Quất, cho PVN rồi, sao lại còn đòi hỏi, trông đợi gì thêm vào 'bầu sữa' ưu đãi giảm thuế? Không phủ nhận những đóng góp lớn cho nền kinh tế của PVN, của NMLD Dung Quất, nhưng lẽ nào doanh nghiệp lại muốn 'hưởng trọn' trong khi nguồn tài nguyên dầu thô quốc gia hao hụt, còn Nhà nước thì thất thu, ngân sách sụt giảm, người dân chịu thiệt?



Ở đây, không chỉ là chuyện dành ưu đãi cho NMLD Dung Quất hay PVN mà là cả một thực trạng đáng phê phán từ sự bấu víu, ỷ lại của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào công cụ ưu đãi của Nhà nước. Dù dư luận, các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng nhiều lần nhưng vẫn chưa lay chuyển.



Bằng chứng mới nhất là tại hội thảo 'Điều chỉnh quy hoạch ngành than' do Bộ Công Thương tổ chức hôm 1/9/2015, một đại diện của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) lại tiếp tục đề nghị một loạt ưu đãi cho ngành than như: giảm thuế môi trường, miễn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ưu đãi vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, phần vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển…



Một trường hợp điển hình khác như Vietnam Airlines, hồi tháng 8 năm ngoái, khi lợi nhuận sụt giảm đã lập tức xin thêm hàng loạt cơ chế như: giảm 25% giá các dịch vụ hàng không áp dụng, giảm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu, điều chỉnh đường bay nhằm giảm giờ bay, xin thêm các chính sách hỗ trợ…



Lời giữ lại, lỗ xin ưu đãi



Rõ ràng 'căn bệnh' xin cho ưu đãi đã thấm vào trong 'máu' của không ít DNNN, mỗi lần kinh doanh kém, làm ăn thua lỗ là mỗi lần xin ưu đãi, thực chất là xin thêm tiền của Nhà nước.



Theo nhận định của Gs. Võ Đại Lược – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, chuyện kinh doanh lời thì đút túi, lỗ thì xin ưu đãi là chuyện thường tình, dễ hiểu vì DNNN nào cũng thế. Họ luôn muốn tăng chi phí, giảm lợi nhuận, để tiến hành xin ưu đãi, lợi nhuận nhiều họ cũng làm giảm đi, kể cả Vinacomin hay Petrolimex. Cuối cùng là người dân sẽ phải chịu mọi thiệt hại. Bởi lẽ Nhà nước giao cho họ một khoản vốn, giao cho họ quyền độc quyền kinh doanh, giao cơ sở tốt nhất, nên họ có quyền sử dụng.



Ngoài ưu đãi thuế, một loạt ưu ái khác mà khối DNNN đang hoặc từng hưởng lợi, như: ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay; ưu đãi cơ chế hoạt động, độc quyền; ưu tiên sử dụng mặt bằng sản xuất kinh doanh…Do hưởng nhiều chính sách ưu đãi, thậm chí độc quyền nên khu vực DNNN đang chi phối nhiều lĩnh vực như: điện, nước, nhiên liệu, khoáng sản, viễn thông, đường sắt…



Mặc dù vậy, vì được nuông chiều, vung tay quá trán, làm ăn kém hiệu quả, thiếu tinh thần tự giác và nhất là không làm tròn trách nhiệm về bảo toàn và phát triển vốn, về nghĩa vụ nộp thuế và trả nợ nên cuối cùng không ít DNNN đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.



Trong một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố hồi tháng 5/2015, đã nhận định hệ lụy của việc dành những đặc quyền, đặc lợi cho DNNN không tạo được áp lực cạnh tranh cho DNNN và làm méo mó quan hệ thị trường.



Theo nghiên cứu của CIEM, các DNNN cũng được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay, như năm 2013, theo báo cáo Chính phủ, tổng nợ phải trả của 796 DN 100% vốn nhà nước là hơn 1,723 triệu tỷ đồng (tương đương 48% GDP), riêng 108 tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,514 triệu tỷ đồng (42% GDP).



Vấn đề đặt ra là tại sao những nghịch lý ấy vẫn còn tồn tại? Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, vì đã là doanh nghiệp của Nhà nước, đúng như quy luật, đã đẻ con ra thì phải có trách nhiệm nuôi, nên khi họ giơ tay xin, Nhà nước phải cho, phải trợ giúp thì mới tồn tại được.



Do đó, nhìn từ vụ việc Bộ Tài chính 'bác' đề xuất tiếp tục giảm thuế cho NMLD Dung Quất, đó là một gợi mở cho Nhà nước cần dứt khoát không dành thêm quá nhiều ưu ái cho khu vực DNNN, để chuyện ưu đãi xin cho không còn tái diễn. Chỉ khi nào DNNN rời khỏi sự bao bọc của Nhà nước thì khi đó mới có thể vững vàng tồn tại trước hội nhập.







Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế



-------------------------------



Nếu tư tưởng 'nuông chiều' doanh nghiệp Nhà nước không được dứt khoát đoạn tuyệt, thì vừa không tạo ra được sự lành mạnh trong nền kinh tế, vừa khó tạo ra được sự đột phá trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.









Thế Vinh










Theo stockbiz.vn