Dự kiến ngành dầu khí trong nước sẽ đáp ứng được khoảng 60 - 70% nhu cầu xăng dầu, trên 70% nhu cầu phân đạm và trên 50% nhu cầu sản phẩm hóa dầu có xét đến khả năng xuất khẩu.



Đây là những nội dung chính tại cuộc họp về Đề án tái cơ cấu ngành dầu khí phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công Thương tổ chức, sáng 11/8.



Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì, với sự tham gia và góp ý của đại diện Tổng cục Năng lượng, Vụ thị trường trong nước, Vụ kế hoạch; Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Công nghiệp than và khoán sản Việt Nam (Vinacomin)...



Sản lượng khai thác dầu ở nước ngoài 3-7 triệu tấn/năm



Tại cuộc họp, ông Nguyễn Việt Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết: ' Việc tái cơ cấu ngành dầu khí nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng năng lực cạnh tranh của ngành này trở thành ngành kinh tế kĩ thuật then chốt với những mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực.



Về tìm kiếm thăm dò dầu khi phấn đấu sau năm 2015 sẽ đạt 33 - 40 triệu tấn quy dầu/năm. Ước chừng sản lượng khai thác dầu khí trong nước đạt 22-33 triệu tấn/năm. Trong đó sản lượng dầu thô và condensate đạt 5-14 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 11-21 tỷ m3/năm. Sản lượng khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 3-7 triệu tấn/năm.



Đối với công nghiệp khí sẽ đồng bộ tất cả các khâu khai thác, thu gom, vận chuyển, xuất nhập khẩu...Ngành dầu khí duy trì cung cấp 100% thị phần khí khô và tối thiểu 70% thị phần LPG toàn quốc. Đồng thời, ngành sẽ tìm kiếm thị trường để sẵn sàng nhập khẩu LNG từ năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng đường ống kết nối các khu vực, hình thành đường ống dẫn khí quốc gia.



Về chế biến dầu khí, ngành dầu khí hướng tới mục tiêu xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Dự kiến ngành dầu khí trong nước sẽ đáp ứng được khoảng 60 - 70% nhu cầu xăng dầu, trên 70% nhu cầu phân đạm và trên 50% nhu cầu sản phẩm hóa dầu có xét đến khả năng xuất khẩu.



Nhà nước nắm giữ 75% Petrolimex



Trong Đề án tái cơ cấu ngành dầu khí tầm nhìn đến năm 2030, PVN là doanh nghiệp đầu tiên được xét tới. Với công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn sẽ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, PVN vẫn tiếp tục trực tiếp hoạch định chiến lược phát triển và thương hiệu Petrovietnam; trực tiếp ký mới các hợp đông mua khí với các chủ mỏ, sau đó bán lại cho Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas).

Về công nghiệp khí, PVN sẽ thành lập mới các công ty để triển khai các dự án mới khi đủ điều kiện. Đối với PV Power, PVN sẽ thực hiện cổ phần hóa sau 2014 và công ty mẹ sẽ nắm giữ tối thiểu 51%.



Đối với các doanh nghiệp ngoài PVN, tiếp tục thúc đẩy việc tham gia đầu tư các dự án chế biến dầu khí. Với các doanh nghiệp đầu mối, nòng cốt vẫn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trong đó Nhà nước vẫn nắm giữ vốn điều lệ tối thiểu 75%. Đề án cũng nhấn mạnh đến vấn đề cho phép các doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các nhà máy lọc dầu và được phân phối sản phẩm do chính họ sản xuất ra. Đồng thời, ngành sẽ nghiên cứu thành lập công ty cổ phần đầu tư dầu khí ở nước ngoài.



Đánh giá Đề án tái cơ cấu ngành dầu khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, tái cơ cấu ngành dầu khi là một hợp phần của tái cơ cấu ngành năng lượng trong tổng thể tái cơ cấu ngành Công Thương. Tái cơ cấu là việc thay đổi cái hiện tại để phát triển hơn. Và nếu thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra thì khả năng ngành dầu khí sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai.



Huyền Thương










Theo stockbiz.vn