Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện hàng loạt nhiệm vụ được cho là cấp bách trong thời điểm hiện tại.



Cụ thể, Bộ Tài chính tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách, bảo đảm giữ vững cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu thế giới.



Theo dự toán ngân sách năm 2015 của Bộ, giá dầu ở mức 100 USD/thùng. Trong khi đó, hiện giá dầu thế giới chỉ còn 45 USD/thùng và được dự toán giảm tiếp.



Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền Quốc gia. Mặc dù sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạt 9,69 triệu tấn, bằng 65,8% kế hoạch năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ song do giá dầu giảm mạnh (bình quân khoảng 60 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so với giá dự toán), nên số thu từ dầu thô đạt thấp cả về tiến độ dự toán và so với cùng kỳ năm trước.



Cụ thể, thu từ dầu thô 7 tháng ước đạt 42,27 nghìn tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014.



Bộ Tài chính cũng được Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chuyển giá và xử lý nợ đọng thuế. Quản lý ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.



Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ huy động trái phiếu Chính phủ năm 2015 theo kế hoạch.



Các thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đưa ra với Bộ chủ quản ngân sách Nhà nước trong bối cảnh Bộ Tài chính đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp huy động cho ngân sách do ảnh hưởng của giá dầu giảm và huy động trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn.



Các biện pháp tăng huy động cho ngân sách gần đây được Bộ Tài chính đưa ra gồm công bố danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất cả nước, đề nghị cho phép phát hành lại trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 5 năm hay đáng chú ý nhất là đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách vay 30.000 tỷ đồng.



Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công, quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.



Theo số liệu được Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên xác nhận tại họp báo thường kỳ Chính phủ, nợ công Việt Nam tới cuối năm 2014 là 2,35 triệu tỷ đồng (tương đương 110 tỷ USD).



Chuyên gia của Ngân hàng thế giới nhận định, nợ công tăng lên và chi phí thanh toán nợ có thể tạo thêm gánh nặng lên ngân sách. Nghĩa vụ thanh toán nợ công đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.



Cũng trong văn bản này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; điều hành tăng trưởng tín dụng đi đôi với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro cao.



Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, đồng thời tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát nợ xấu để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.





Thái Hà










Theo stockbiz.vn