Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố Bản báo cáo cập nhật diễn biến ngành cá tra và 6 tháng đầu năm 2015, dự báo 6 tháng cuối năm.



VDSC nhận định, là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong các năm vừa qua, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành cá tra nói riêng đang đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn nhờ sự mở rộng thị trường xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA-Hà Quốc, FTA-Đông Âu,…).



Kim ngạch xuất khẩu cá tra vào EU giảm



Theo VDSC, trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam ghi nhận mức giảm 9% so với cùng kỳ. EU và Mỹ tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu cá tra chủ lực của Việt Nam với tỷ trọng trong tổng kim ngạch trên 40%.







Tuy nhiên, đối với EU, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng giảm 18% so với cùng kỳ. Vì 4 lý do, gồm (1) đồng EUR giảm giá so với USD và giá cá tra xuất khẩu xuất khẩu cũng giảm 5-10%; (2) Rào cản kỹ thuật khắt khe hơn và sự kiểm soát chặt chẽ của các quốc gia thành viên EU; (3) DN xuất khẩu thủy sản vào EU phải thực hiện dán nhãn cho sản phẩm thủy sản từ 13/12/2014 theo quy định của nước này; (4) Các quy tắc về thông tin dinh dưỡng có hiệu lực từ ngày 13/12/2016 là một điểm cần quan tâm.



Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc và HongKong lại tăng mạnh, tăng tới 35% do nhu cầu tiêu thụ khá lớn, tâm lý chuộng hàng ngoại.



Xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc từ Qúy II/2015 với kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20/% so với cùng kỳ, nguyên nhân có thể do lượng hàng tồn kho từ cuối năm 2014 đang bắt đầu giảm dần dẫn đến số lượng đơn hàng tăng lên.



Theo dự báo của Hiệp hội cá tra Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 6 tháng cuối năm 2015 sẽ khả quan hơn căn cứ trên số đơn hàng đăng ký xuất khẩu và khả năng đáp ứng của sản lượng cá tra nguyên liệu. Theo đó, Hiệp hội này dự báo kim ngạch Qúy III có thể bằng cùng kỳ năm ngoái, đạt 452 tỷ USD và Qúy IV là 496 tỷ đồng.



VHC giữ vững vị thế đứng đầu, AGF tụt hạng xuống thứ 7



Theo kết quả khảo sát của VDSC, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong 6 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành từ 20-40% kế hoạch đề ra. Kết quả này khá tương đồng với tình hình xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm khi cả giá bán và sản lượng đầu ra đều sụt giảm. Tuy nhiên, theo yếu tố mùa vụ cũng như phân tích diễn biến thị trường thì 6 tháng cuối năm mới là thời điểm ghi nhận phần lớn lợi nhuận.



Cục diện xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đã làm thay đổi trật tự trong bảng xếp hạng 10 nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất. Cụ thể, Agifish (HSX: AGF) giảm từ vị trí thứ 3 (6T2014) xuống vị trí thứ 7 (6T2015).



Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn (HSX: VHC) ngày càng lớn, ở mức 3,76% so với 2,44% (6T2014). Trong khi đó, Hùng Vương (HSX: HVG) và Nam Việt (HSX: ANV), IDI có tỷ trọng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.



Như vậy, mặc dù thị trường Trung Quốc tăng trưởng khá tốt nhưng những doanh nghiệp có lượng hàng xuất lớn sang thị trường này như ANV, IDI, HVG vẫn sụt giảm đáng kể khi giá bán không thuận lợi. VDSC cho rằng, trong xu thế này, những doanh nghiệp lớn, có cơ cấu hàng giá trị gia tăng lớn và vị thế vững chắc ở những thị trường chủ lực như VHC có thể là lợi thế nhất.



Khổng Chiêm










Theo stockbiz.vn