Trong báo cáo tháng 7/2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (GDTCQG) dự báo: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,4% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%, cao hơn dự báo tại Báo cáo tháng 6 của cơ quan này.



Mức dự báo của cơ quan Giám sát Tài chính Quốc gia cũng khá tương đồng với dự báo của nhiều tổ chức khác. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho rằng khả năng đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 là “cao”, còn Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng trưởng có thể đạt 6,2% trong năm nay.



Liên quan đến lạm phát, Ủy ban GSTCQG nhận xét: Lạm phát thấp và ổn định. Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 5 tháng gần đây. Dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% .



Đánh giá mức nhập siêu ước 3,4 tỷ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2015, Ủy ban GSTCQG cho rằng: Nhập siêu tăng do xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. Nhập siêu tăng chủ yếu do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất và giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh.



Nợ xấu có xu hướng giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu giảm từ 3,81% (tháng 3/2015) xuống còn 3,15% (tháng 5/2015); nợ xấu sẽ được đưa về dưới 3% trước ngày 1/10/2015.



Thu ngân sách tính đến 15/7 đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%). Ủy ban GSTCQG cho rằng: Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn; thu từ dầu thô giảm 32,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm, dự báo thu ngân sách đạt dự toán.



Thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định 7 tháng năm 2015, tỷ giá USD/VND chủ yếu đi ngang trong biên độ 21.805 - 21.815 đồng/USD.



Điểm mặt các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định, Ủy ban GSTCQG cho rằng: Một là Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự nhất quán trong điều hành tỷ giá. Và mức giá bán ra của NHNN 21.820 đồng/USD vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường.



Hai là theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại có sự cải thiện trong nửa cuối tháng 6, cả tháng 6 nhập siêu 140 triệu USD, thấp hơn mức ước tính 700 triệu USD trước đây.



Ba là kiều hối năm 2015 dự kiến lên tới 13 - 14 tỷ USD; vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014.



Song, tỷ giá những tháng cuối năm còn nhiều áp lực. Trong nước, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.



Bên ngoài, triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn); cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.



Phạm Hà Nam










Theo stockbiz.vn