'Tôi không hiểu sao dịch vụ gì cho doanh nghiệp cũng thu tiền, cái gì cũng thu tiền trong khi doanh nghiệp, người dân đã đóng thuế”.



Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi nói về những hạn chế của nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ.



Trao đổi với báo giới bên lề một hội thảo ngày 30/7, ông Cung nói:



- Môi trường kinh doanh hiện nay chưa thực sự thuận lợi, doanh nghiệp muốn kinh doanh, xin giấy phép vẫn nhiều rào cản.



Trong khi đó, nền tảng kinh tế thị trường của Việt Nam chưa vững chắc, chi phí còn đè nặng doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa và nhỏ không lớn được trong nhiều năm nay.



Trước thực tế đó, Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai nghị quyết 19 nhằm thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.



Tuy nhiên, chỉ có một số ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Tài chính, Hải quan khá tích cực trong việc cải cách thủ tục thông quan xuất nhập khẩu.



Còn lại các bộ khác theo tôi, họ chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của cải cách các nhóm quy định liên quan đến môi trường kinh doanh mà theo Nghị quyết 19.



Thậm chí một số bộ còn ban hành những văn bản trái về nội dung, trái về thẩm quyền, tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp, khiến cá nhân tôi cũng thấy bức xúc.



Theo ông, vì sao nhiều bộ, ngành lại thờ ơ?



Cuộc cải cách nào cũng như thế, nhất là liên quan đến điều kiện kinh doanh hay các chuyên ngành quản lý xuất nhập khẩu.



Vì nó đòi hỏi tư duy mới, đòi hỏi thay đổi vai trò của nhà nước, vai trò thị trường, đòi hỏi cách tiếp cận mới đối với quản lý nhà nước và cách tiếp cận mới về quan hệ nhà nước - doanh nghiệp.



Chứ còn nếu vẫn duy trì cách tiếp cận cũ thì dễ có xu hướng đẩy ra hơn là kéo vào để thực hiện.



Vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo Chính phủ những trường hợp các bộ, ngành ra văn bản trái với Nghị quyết 19?



Thông thường, có hai lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, đó là các quyết định về điều kiện kinh doanh và các quy định về quản lý xuất nhập khẩu chuyên ngành.



Các quyết định về điều kiện kinh doanh thì chủ yếu liên quan đến kinh doanh nội địa; các quy định về quản lý hoạt động thông quan liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu.



Hai nhóm quy định này thực sự liên quan rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Nó rất lạc hậu về nội dung, về cách thức quản lý về và lạc hậu về công dụ, điều kiện kỹ thuật quản lý nên năng lực của nó không đáp ứng. Cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 năm nay nhằm đúng vào hai nhóm này.



Thủ tướng đã chỉ đạo như thế. Trong các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng luôn nhắc đến nó. Thủ tướng luôn lưu ý triển khai nhưng xuống bên dưới, tôi chưa thấy yêu cầu của Thủ tướng được truyền xuống các bộ.



Thậm chí bên dưới còn có nhiều nơi có phản ứng, chưa hoặc lùi thời gian triển khai với những lý do: năm nay trong chương trình chưa đặt ra. Đó là những điều phải thay đổi.



Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 19 lần một có đem lại chuyển động, nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết 19 lần hai có vẻ mờ nhạt?



Nếu cảm nhận thì không sai. Nhưng Nghị quyết 19 lần một là đi từ số không đến có nên thấy những tác động của nó rất nhanh, nhìn thấy rõ ràng, đo lường được.



Nhưng từ có đến có nhiều hơn thì việc này đòi hỏi những cố gắng, thay đổi nhiều hơn nữa thì mới có thể nhìn thấy rõ ràng.



Năm nay cũng khó hơn. Năm ngoái giảm 400 giờ nộp thuế thì là làm được rất nhiều. Nhưng năm ngoái, thay đổi chính sách bằng những văn bản, luật vẫn còn làm được. Nhưng năm nay, nếu chỉ làm văn bản là không đủ mà phải thay đổi cả kỹ năng, quy trình thì lúc đó mới thay đổi được.



Hiện nay, giảm 50 giờ làm thủ tục nộp thuế còn khó hơn nhiều giảm 100 giờ của năm trước.



Song Hà










Theo stockbiz.vn