Theo tin từ tạp chí Nikkei Asian Review, Việt Nam và Malaysia đã đưa ra các thỏa hiệp về tự do hóa ngành dịch vụ, nhưng vẫn kiên định trong một số lĩnh vực 'nhạy cảm' khác trong cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra Hawaii.



Chỉ 2 tiếng đồng hồ trước khi các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng Hiệp định TPP kết thúc vào trưa ngày thứ Sáu (31/7), các nhà đàm phán vẫn đang tất bật giữa phòng họp để thu hẹp các bất đồng về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và các vấn đề khác để hoàn tất thỏa thuận.



Các cuộc đàm phán song phương và đa phương đã được tổ chức ở cả cấp quan chức đàm phán và cấp bộ trưởng của 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, với mục tiêu phải đạt được một thỏa thuận trong tuần này.



Cả Malaysia và Việt Nam đều đang phản đối một số sáng kiến của TPP như mở cửa việc mua sắm chính phủ cho các nhà thầu nước ngoài, bán cổ phần với tỷ lệ lớn tại các doanh nghiệp nhà nước, thực thi nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ bản quyền trong ngành dược phẩm điều có thể khiến giá dược phẩm tăng mạnh.



Trong khi đó, theo một thỏa thuận dự thảo, Malaysia sẽ nới lỏng các nguyên tắc thương mại để nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ 30% cổ phần tại các doanh nghiệp điều hành cửa hàng tiện lợi. Đại diện của Ngân hàng Maybank cho biết đề xuất này không bất ngờ, vì các nhà đầu tư đã đoán trước được động thái đó.



Lĩnh vực cửa hàng tiện lợi của Malaysia hiện nay bị chi phối bởi công ty 7-Eleven Malaysia Holdings, hiện điều hành hơn 1.850 cửa hàng thông qua một thỏa thuận nhượng quyền thương mại.



Malaysia cũng dự kiến sẽ nới lỏng các quy định trong ngành tài chính để cho phép các ngân hàng từ các nước TPP có thể mở đến 16 chi nhánh trên cả nước. Nước này hiện chỉ cho phép các ngân hàng nước ngoài mở tối đa 8 chi nhánh. Các ngân hàng từ Canada, Nhật Bản, Singapore và Mỹ đang hoạt động tại Malaysia dự kiến sẽ được hưởng lợi từ đề xuất này.



Từ năm 2009, dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Najib Razak, Malaysia đã thực hiện nhiều biện pháp tự do hóa ngành dịch vụ để cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng đầu tư trực tiếp.



Trong khi đó, Việt Nam đề xuất tăng lượng cổ phần mà một nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tại một tổ chức tài chính từ 15% lên 20%. Đối với các công ty viễn thông, Việt Nam đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 65% đến 75%. Trong ngành bán lẻ, Việt Nam sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia điều hành của các cửa hàng có diện tích sàn dưới 500 mét vuông, nhưng phải 5 năm sau khi thỏa thuận TPP được thực hiện.



Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang yêu cầu các đối tác đàm phán linh hoạt trong việc mở cửa một số lĩnh vực 'nhạy cảm' như dệt may. Việt Nam hiện là một nước xuất khẩu hàng may mặc và giày dép lớn. Theo thỏa thuận TPP, Việt Nam sẽ phải giảm thuế nhập khẩu xuống 0% và cho phép các nhà sản xuất sợi từ các nước TPP khác tiếp cận nhiều hơn với ngành công nghiệp dệt may của mình.



Với Malaysia, Bộ trưởng thương mại Mustapa Mohamed đã cam kết sẽ bảo vệ lợi ích của nước này.



Trung Nghĩa - Theo Nikkei










Theo stockbiz.vn