Mới đây, khi công bố dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời cũng tiết lộ một con số - 8.000 tỉ đồng - là số tiền ngân sách đã chi ra để làm tới hơn 19.000 bản quy hoạch phát triển cho giai đoạn 2011-2020.



Hơn 19.000 bản quy hoạch sẽ là không quá nhiều và gần 8.000 tỉ đồng phải chi ra để xây dựng nên những quy hoạch đó sẽ không phải là đắt, nếu các quy hoạch có đóng góp tích cực cho sự phát triển của các ngành, các địa phương và kiến tạo nên tầm nhìn rõ ràng cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh.



Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá: “Quy hoạch được lập quá nhiều, chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng, tính thực tiễn khả thi”. Với đánh giá như vậy thì số tiền 8.000 tỉ đồng bỏ ra để xây dựng nên các bản quy hoạch ấy rõ ràng là quá lãng phí. Nhưng thiệt hại cho nền kinh tế từ các quy hoạch không gắn với thị trường, kém tính khả thi không dừng lại ở đó.



Nếu nhìn vào tình trạng khủng hoảng thừa công suất của ngành xi măng, thép xây dựng, gạch ốp lát... hay sự nở rộ của các khu kinh tế ven biển, rồi thất bại của một loạt dự án khu công nghiệp đóng tàu... người ta có thể thấy rằng mức độ thiệt hại cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp sẽ vượt xa con số 8.000 tỉ đồng kia. Ngoài ra, nếu tính cả những gì mà người dân phải trả giá cho các dự án quy hoạch đô thị kém khả thi, thì thiệt hại có thể là không đong đếm được.



Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được ông Các nêu ra là “do tư tưởng chủ nghĩa bình quân, căn bệnh thành tích, và sự phối hợp kém hiệu quả của các cấp, ngành, làm cho quy hoạch thiếu khách quan, không khả thi, điều chỉnh tùy tiện”. Nói một cách thẳng thắn thì đó là do quy hoạch đã bị lợi ích cục bộ của địa phương, của ngành chi phối mà hai chữ “lợi ích” ở đây không phải vì phát triển kinh tế - xã hội mà vì bệnh thành tích, vì đưa vào quy hoạch để có cớ xin tiền ngân sách. Chính vì thế mà mới xảy ra tình trạng địa phương có đất đai không thích hợp để trồng mía đường nhưng ngân sách vẫn chi tiền để xây nhà máy đường; không biết gì về sản xuất kinh doanh xi măng nhưng ngân sách vẫn chi để xây nhà máy xi măng.



Ngoài ra, vẫn còn những nguyên nhân khác. Đó là do các bộ, ngành thiếu chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm cũng như thông tin cần thiết để phục vụ cho công tác quy hoạch do bị các nhóm lợi ích tác động. Điều này dễ thấy nhất trong các bản quy hoạch phát triển đô thị. Và không loại trừ tâm lý làm quy hoạch theo kiểu “người ta có thì mình cũng phải có”.



Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả các hạn chế trên sẽ được khắc phục trong Luật Quy hoạch. Nếu thông tin này là đúng thì đó cũng mới là điều kiện cần. Muốn giải quyết dứt điểm bệnh thành tích, tư tưởng bình quân chủ nghĩa hay sự tác động của nhóm lợi ích lên việc làm quy hoạch, thì ban hành luật thôi vẫn chưa đủ. Bốn chữ “điều chỉnh tùy tiện” mà ông Các nhắc đến khi nói về quy hoạch là một thực tế về tính tuân thủ luật lệ mà Chính phủ cần lưu tâm.










Theo stockbiz.vn