Năm 2015 đánh dấu một bước chuyển mình của Việt Nam hòa chung vào xu hướng hội nhập của toàn thế giới, với việc đã, đang và sẽ ký kết một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.



Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa có nhiều sự chuẩn bị để ứng phó với những “va chạm” cũng như chưa biết tận dụng cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong hội nhập.



Tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã bày tỏ lo lắng và chia sẻ khi trả lời phỏng vấn phóng viên.



- Xin ông cho biết cụ thể hơn những điều mà doanh nghiệp đang cần, để mạnh dạn tiến tới trong hội nhập?



Tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm: Phải ghi nhận rằng, để chủ động hội nhập, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đổi mới hệ thống các luật lệ, quy định và môi trường pháp lý sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và theo nguyên tắc của thị trường.



Bước đầu, việc cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp Nhà nước cũng đã có những chuyển biến tích cực, dù kết quả còn chậm.



Cải cách tư pháp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và sửa đổi lề lối làm việc của các cơ quan công quyền đã được khởi động, cũng là để phục vụ cho quá trình tiến tới hội nhập. Tuy nhiên, phải cần thêm thời gian để thấy rõ kết quả và tác động tích cực đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.



Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam bị đánh giá là yếu nhất trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân là chưa có sự đầu tư, trang bị công nghệ sao cho phù hợp với yêu cầu của các hoạt động kinh tế hiện đại cũng như với xu hướng phát triển của toàn cầu.



Điều đó thể hiện ở chỗ, Việt Nam chưa có nhiều ngành công nghiệp “đầu đàn;” các ngành công nghiệp nhỏ mang tính phụ trợ thì còn yếu. Thậm chí, các làng nghề ở nông thôn cũng không thể phát triển…



Do đó, dễ hiểu là vì sao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam không cao và ít cơ hội giành phần thắng trên thương trường.



Song song với đó, việc đào tạo đội ngũ lao động cũng cần phải được chú trọng nhiều hơn. Bởi Việt Nam đang thiếu trầm trọng những nhà quản lý giỏi, những nhà hoạch định chính sách hay những nông dân, công nhân lao động có trình độ tay nghề cao.



Cũng do sự khiếm khuyết về đào tạo nên nhận thức của đa phần doanh nghiệp còn chưa đồng đều. Làn sóng hội nhập và sự cần kề của hội nhập đã ở ngay ngưỡng cửa, nhưng sự hiểu biết về các thông tin hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lơ mơ.



Đến 70% doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về tiến trình hội nhập và các nội dung cam kết. Họ cũng chưa xác định được những yếu kém của bản thân để chuẩn bị đối phó, cũng như không biết đâu là tiềm năng, thế mạnh của mình để phát huy và tận dụng cơ hội.



Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiểu biết của họ về hội nhập còn chưa có hệ thống. Trong hội nhập, họ không biết sẽ phải làm cái gì, làm từ đâu và làm như thế nào; tác động xấu, tốt ra sao tới thị trường. Họ không biết thị trường thế giới đòi hỏi những gì, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng ra sao.



Thậm chí, họ không hiểu đâu là những điều cần tránh, trước những rủi ro pháp lý trong thương mại. Chưa kể tới, những hạn chế về trình độ quản lý, về năng lực quản trị doanh nghiệp…. Đó chính là những điều mà doanh nghiệp đang cần để tiến tới hội nhập một cách an toàn và chủ động.



- Liệu bài toán hội nhập có là bức tường khó vượt qua đối với thực lực hiện thời của các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?



Tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm: Biết là hội nhập sẽ có nhiều cái khó. Nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện được. Khó như khi Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.



Khó như khi Việt Nam đổi mới cách tiếp cận các hoạt động kinh tế trong thời kỳ mở cửa. Ấy là lúc chưa có nhiều luật lệ, chưa có nhiều mô hình kinh tế để Việt Nam học tập và áp dụng ngay đối với Việt Nam.



Song theo thời gian, Việt Nam vẫn làm được và làm tốt, thu lại kết quả thấy rõ từ sự cải thiện đi lên của đời sống xã hội.



Tôi cho rằng, nếu giải quyết được những điều kiện nói trên mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần thì đó chính là những yếu tố đủ để tăng cường năng lực cạnh tranh cho họ, giúp họ tiến xa hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế một cách an toàn, hiệu quả và ít tổn thương nhất.



Xin trân trọng cảm ơn ông./.



THẠCH HUÊ










Theo stockbiz.vn