Sáng nay (30-7), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 6 tháng đầu năm, thực hiện triển khai nhiệm vụ cả năm 2015.



Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thoại, Thành viên HĐTV, Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết, tập đoàn có trên 3.700 tỷ đồng cần thoái vốn, trong đó số vốn công ty mẹ cần thoái là 2.000 tỷ.



Tính đến ngày 30/6, đã có 1.195 tỷ đồng được thoái vốn. Bảo toàn được vốn và có lãi nhất là những ngành như ngân hàng, chứng khoán.



Như vậy, theo lộ trình từ nay đến hết năm 2015, số vốn tại Tập đoàn cao su Việt Nam tiếp tục cần phải thoái là gần 2.800 tỷ.



Trong đó, có nhiều công ty khó thoái vốn do giá quá thấp như Công ty Cổ phần Thủy lợi 4; một số đơn vị đang đầu tư dở dang như Công ty CP điện Việt Lào, ENV quốc tế…



“Phương châm của chúng tôi thoái vốn là phải hòa và lãi chứ lỗ thì chúng tôi không làm. Công tác thoái vốn của tập đoàn đang làm quyết liệt, khả năng từ giờ đến cuối năm sẽ đạt được kế hoạch đề ra”, ông Thoại nói.



Về Cổ phần hóa (CPH), ông Thoại cho biết, theo quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ, cao su không nằm trong số tập đoàn phải CPH nhưng hiện nay Tập đoàn đã đăng ký CPH 5 doanh nghiệp, tiến độ CPH đảm bảo tốt.



Cũng theo ông Thoại, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, một số doanh nghiệp thành viên đầu tư 100% vốn nhà nước sang Campuchia. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn xác định giá trị dự án đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đề nghị liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp đồng ý cho các doanh nghiệp con được đánh giá vốn theo vốn chủ đầu tư.



Ngoài ra, theo quy định Bộ Tài chính, mọi hồ sơ thoái vốn đều phải qua Ủy ban chứng khoán, yêu cầu phải có báo cáo tài chính mới được chấp nhận. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.



Ông Lê Thế Chỉ, Phó Tổng Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, theo lộ trình Chính phủ và Bộ Nông nghiệp quy định, quý III, IV/2015 Vinacafe sẽ thoái vốn tại 6 công ty cổ phần.



Mặc dù vốn nhà nước tại các công ty này nhỏ, khoảng 40 tỷ đồng nhưng khó thoái vốn vì không có nhà đầu tư.



“Chúng tôi đã thực hiện các quy định từ xác định giá trị doanh nghiệp, công bố chào bán nhưng không có nhà đầu tư tham gia. Hiện tại mới thoái vốn được Công ty xuất nhập khẩu cà phê Intimex Nha Trang, còn hai đơn vị là Công ty CP Đức Nguyên, vốn nhà nước chiếm 31% và Công ty Đồng Tâm vốn khoảng 3-5 tỷ đã chào giá bán nhưng không ai mua.



Chúng tôi sẽ cho xác định giá trị doanh nghiệp ở mức hợp lý để động viên nhân viên mua cổ phiếu với mức giá hợp lý”, vị đại diện này nói.



Đáp lại băn khoăn của các doanh nghiệp trong vấn đề thoái vốn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực, thường xuyên xem xét kỹ lưỡng để nhanh chóng tháo gỡ mọi vấn đề.



Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: 'Thoái vốn và sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm trường như Tập đoàn cao su, Tổng công ty cà phê Việt Nam đang được thực hiện rất chậm...



Về vấn đề này, Quốc hội họp cũng đã nói nhiều, vì vậy, yêu cầu các Tập đoàn làm nhanh, thoái vốn nhà nước tại các công ty đảm bảo tiến độ nhưng cần phải chính xác'.



Ông Trần Hữu Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá trình thoái vốn, nhất là doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm dưới 50% vốn điều lệ mà làm ăn thua lỗ thì thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp này hết sức khó khăn.



'Trong quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước nói chung, công tác thoái vốn của các DN nói riêng, khi có bất kỳ khúc mắc gì liên quan tới lĩnh vực tài chính, các DN nên có báo cáo chi tiết, cụ thể gửi Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) để tổng hợp, nắm bắt chung, sau đó Vụ Quản lý DN sẽ làm việc trực tiếp với Cục Tài chính DN để kịp thời tháo gỡ. Tinh thần từ Bộ Tài chính là sẵn sàng lắng nghe, hợp tác nhằm tháo gỡ nhanh nhất cho DN', ông Tiến khẳng định.





Kiều Linh










Theo stockbiz.vn