Tuy đã nhận biết phần mềm quản lý có sai sót, dẫn đến thông tin sai lệch, song ngành thuế vẫn công bố danh tính hàng trăm doanh nghiệp nợ thuế



Tổng cục Thuế - Bộ Tài Chính vừa bêu tên 600 doanh nghiệp (DN) nợ thuế hơn 12.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, trước khi thông tin này được công bố rộng rãi, ngành thuế đã biết phần mềm quản lý thuế có sai sót dẫn đến việc kết xuất số nợ chưa chính xác. Kết quả hàng loạt DN lên tiếng khẳng định việc mình nợ thuế là hoàn toàn không chính xác. Cục Thuế Hà Nội xác nhận trong số 200 DN nợ thuế có 34 đơn vị bị bêu tên với số tiền nợ không chính xác, 7 đơn vị không nợ thuế nhưng bị liệt vào danh sách nợ từ 10-50 tỉ đồng. Còn tại TP HCM, có khoảng 17-18 DN bị nhầm lẫn về số liệu nợ thuế.



Nợ thuế sao còn được tuyên dương?



“Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi cơ quan thuế bêu tên công ty nợ thuế với số tiền 17 tỉ đồng, bởi cách đây nửa tháng, chúng tôi vừa được Cục Thuế TP HCM tuyên dương vì hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế” - một lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm sau khi rà soát lại, Chi cục Thuế quận 1, TP HCM xác nhận công ty không nợ thuế và đã xin lỗi do nhầm lẫn số liệu.



Đại diện Công ty CP Thế Giới Di Động cũng cho biết cơ quan thuế thông báo công ty còn nợ thuế 12 tỉ đồng là không chính xác, nên công ty đã gửi công văn lên Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại. Tương tự, Công ty Nguyễn Kim (siêu thị Nguyễn Kim) đã gửi đơn khiếu nại kèm chứng từ chứng minh đã nộp thuế đầy đủ lên Bộ Tài chính; theo đó, Nguyễn Kim khẳng định số tiền nợ thuế hơn 83 tỉ đồng mà Tổng cục Thuế công bố hoàn toàn sai sự thật.



Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) cũng phản ứng do dính nợ thuế 10,6 tỉ đồng và đang liên hệ với Cục Thuế TP HCM để xác minh lại thông tin này. Theo Seaprodex, DN nợ thuế là không đúng, có thể Cục Thuế TP HCM đã tính sai. Vì Seaprodex là DN nhà nước, tiền thuế nộp về ngân sách thông qua Tổng Công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC).



Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam cho biết sau khi đối chiếu số liệu với cơ quan thuế, công ty không những không nợ thuế mà còn nộp dư 4-5 tỉ đồng. Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Phố (Cityland) cũng được Chi cục Thuế quận 1, TP HCM cho biết trong quá trình thống kê các DN nợ thuế đã phát sinh nhầm lẫn số liệu trên phần mềm quản lý dẫn đến thông tin sai lệch Cityland nợ thuế hơn 44 tỉ đồng, đồng thời xác nhận DN này không nợ thuế.



Một trường hợp hy hữu khác, ông Phan Hoài Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pico - đơn vị quản lý chuỗi hệ thống siêu thị điện máy Pico, than phiền trong 600 DN nợ thuế mà Tổng cục Thuế vừa công bố có tên Công ty TNHH Pico Việt Nam có trụ sở ở TP HCM nợ 3,3 tỉ đồng. Trong khi Pico chỉ có một đơn vị thành viên trú đóng tại



TP HCM là Công ty TNHH Pico Sài Gòn và cả 2 công ty đều nộp thuế đầy đủ. Vì thế, việc danh sách DN nợ thuế bị trùng tên ngẫu nhiên với Pico có thể dẫn đến nhầm lẫn, ảnh hưởng đến uy tín của công ty.



Xem lại chất lượng phần mềm



Một lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết trong 200 DN trên địa bàn bị bêu tên nợ thuế, có khoảng 17-18 DN bị nhầm lẫn về số liệu. Theo đó, tổng số nợ thuế không thay đổi nhưng số liệu một số tiểu mục không chính xác. Ví dụ, DN đã nộp thuế thu nhập DN nhưng số liệu lại thể hiện qua mục thuế thu nhập cá nhân, dẫn đến chỗ thừa, chỗ thiếu...



Theo Cục Thuế TP HCM, do phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS) bị lỗi nên việc kết xuất nợ thuế chưa chính xác, khiến con số nợ thuế tăng giảm bất thường so với cuối năm 2014. Cụ thể, số liệu tạm kết xuất tại thời điểm 30-6-2015, Chi cục Thuế huyện Bình Chánh có số nợ thuế giảm trên 54%, tương đương giảm 575 tỉ đồng; Chi cục Thuế quận Bình Tân giảm 88 tỉ đồng; huyện Hóc Môn giảm 18 tỉ đồng… Ngược lại, số nợ thuế của Chi cục Thuế quận 1 lại tăng 622 tỉ đồng, tương ứng hơn 60,7%; Chi cục Thuế quận 5 tăng 112 tỉ đồng, tương ứng 60%...



TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng nếu các sai sót về số liệu về nợ thuế là do phần mềm TMS thì Bộ Tài chính cần phải xem xét lại nguồn gốc của công nghệ này. “Liệu phần mềm TMS được đầu tư từ vốn ngân sách và có vấn đề gì liên quan đến tiêu cực hay không? Hoặc phần mềm TMS được tài trợ từ các quốc gia khác thì cần phải rà soát lại chất lượng nếu không thông tin về thuế sẽ tiếp tục sai lệch ảnh hưởng không tốt đến uy tín DN” - TS Trần Ngọc Thơ nói.



Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hội DN TP HCM, cho rằng cơ quan thuế nên sòng phẳng trong việc công bố thông tin. Nếu DN kê khai không đúng thì cơ quan quản lý cần công bố rộng rãi lý do nợ thuế. Trường hợp cơ quan thuế thông tin không chính xác DN nợ thuế thì cũng công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để trả lại uy tín cho DN. Bởi lẽ, việc nộp thuế không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của DN mà còn là thước đo đánh giá hiệu quả kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật... “Vì thế, khi thông tin nợ thuế sai lệch, DN bị tổn hại uy tín rất lớn. Hình ảnh và thương hiệu DN sẽ phai mờ trong mắt đối tác trong nước lẫn nước ngoài, thậm chí các NH có thể dừng ngay việc tài trợ vốn. Từ đó DN có thể “bể” phương án sản xuất, mất dần các hợp đồng kinh tế...ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động” - ông Hưng phân tích.



Cơ quan thuế phải xin lỗi công khai



Bộ Tài chính cho biết đã nhận được văn bản của Công ty TNHH Đầu tư địa ốc TP HCM, Công ty CP Thế Giới Di Động, Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Nguyễn Kim... phản ánh về số liệu nợ thuế không đúng với thực tế.



Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có văn bản yêu cầu cục trưởng Cục Thuế TP HCM xác minh chính xác số liệu nợ thuế để xin lỗi công khai đơn vị nộp thuế. Đặc biệt, ông Tuấn còn yêu cầu cục trưởng Cục Thuế TP HCM kiểm điểm cá nhân và các cán bộ thừa hành về việc báo cáo số liệu không chính xác, báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trước ngày 30-7.



THY THƠ










Theo stockbiz.vn