“Muốn cạnh tranh được thì phải có quy mô”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp Hội mía đường khẳng định.



Mặc dù được bảo hộ ở Việt Nam, nhưng đường gần như sẽ không còn biên giới giữa các nước ASEAN vào năm 2018. Lộ trình này buộc các nhà máy đường phải tìm cách giảm giá thành nếu muốn tồn tại. Mở rộng công suất nhà máy và diện tích nông trại chính là giải pháp cấp thiết của ngành đường. Xu hướng này cũng đồng thời sẽ tạo ra những “định chế” lớn trong ngành.



Từ mô hình sở hữu mía đường



Ngành mía đường bắt đầu được cổ phần hóa từ năm 2004, trong bối cảnh hàng loạt các nhà máy thua lỗ bởi thực trạng kinh doanh không hiệu quả. Trong quá trình tư nhân hóa, mô hình công ty sở hữu tài sản cũng đã xuất hiện trong ngàng đường với sự tham gia của nhiều tay chơi lớn.



Một ví dụ điển hình cho mô hình công ty đường sở hữu tài sản đường là Tập đoàn Thành Thành Công ( TTC). Đầu tư vào nhiều ngành khác nhau nhưng mía đường vẫn là mảng mà TTC xem là chủ lực. Sau khi mua lại cổ phần từ đối tác nước ngoài tại Đường Bourbon Tây Ninh ( SBT), TTC đã đổi tên thành Đường Thành Thành Công Tây Ninh. SBT được đánh giá là một nhà máy mía đường liên doanh đầu tư bài bản ở Tây Ninh, nơi người Pháp coi là thủ phủ mía đường.



SBT chỉ là một trong số nhiều các doanh nghiệp đường niêm yết mà hệ thống TTC sở hữu, bao gồm Mía đường Nhiệt điện Gia lai, Đường La Ngà, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Đường Phan Rang, Đường 333, Đường Nước Trong. Tuy sở hữu toàn bộ nhưng TTC không sở hữu trực tiếp. Thay vào đó, những công ty đường sẽ sở hữu chéo lẫn nhau, trong đó có một vài công ty TTC không nắm giữ cổ phần chi phối.



Một trường hợp điển hình thứ hai là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Hà Việt, kinh doanh thực phẩm, trong đó có những sản phẩm từ đường. Dưới mô hình công ty gia đình, Kim Hà Việt có tên trên Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn ở Việt Nam (VNR500).



Khá kín tiếng, ở tuổi 74, bà Trần Thị Thái, Giám đốc Kim Hà Việt và những người có liên quan sở hữu một hệ thống gồm nhiều công ty mía đường. Theo thông tin trên website của doanh nghiệp này, hiện công ty này đang sở hữu 15 công ty mía đường và ngồi vào ghế Hội đồng Quản trị ở 9 công ty.



Trong khi TTC đặt kì vọng vào những công ty niêm yết, Kim Hà Việt lại tập trung sở hữu phần lớn những công ty nhỏ và chưa niêm yết. Trong hệ thống này, có hai công ty niêm yết là Đường Kon Tum (KTS) và Đường Sơn La (SLS). Không dễ để thu thập số liệu về tỉ lệ sở hữu ở những mô hình công ty sở hữu tài sản như thế này, nhất là khi cả hai đều là tư nhân. Một số công ty đường mà Kim Hà Việt sở hữu là Đường Cần Thơ (công ty này cũng sở hữu nhà máy đường Vị Thanh, đường Phụng Hiệp, có cổ phần ở Đường Tây Nam), Đường Sóc Trăng và Đường Bến Tre.



Với 41 nhà máy mía đường hiện tại, đếm sơ qua cũng có thể thấy chỉ 2 nhà đầu tư cũng đã chiếm tới hơn 24 nhà máy. Mô hình sở hữu tài sản mía đường này nói lên điều gì?



Ẩn đằng sau những câu chuyện sở hữu chéo trong ngành đường là việc tận dụng lợi thế thương mại. Ngành đường có đặc trưng là bàn tay trung gian xuất hiện trong cả kênh sản xuất lẫn phân phối. Theo đó, mía từ nông dân đến nhà máy qua tay thương lái, và thành phẩm từ nhà máy ra thị trường đi qua những công ty thương mại. Giống như Kim Hà Việt lẫn Thành Thành Công, các công ty đường khác trên thị trường cũng có những công ty thương mại sở hữu phần lớn cổ phần.



Sự sở hữu và mối quan hệ này mang lại lợi thế về giao dịch nội bộ, chẳng hạn như có thể điều phối được tối ưu nhất các nguyên vật liệu hay thành phẩm giữa các nhà máy, bởi về nguyên tắc, trong ngành đường thì có hai yếu tố quan trọng là cạnh tranh về nguyên vật liệu và quãng đường vận tải.



Đến chuyện phình to về quy mô



Tất nhiên, câu chuyện sở hữu cổ phần không chỉ dừng lại ở đó. TTC còn tham vọng hơn khi quyết định phình to hơn về mặt quy mô trong thời gian gần đây bằng chuyện hợp nhất các nhà máy với nhau. Theo đó, Đường Thành Thành Công Tây Ninh sáp nhập với Nhà máy mía đường nhiệt điện Gia Lai, và Đường Biên Hòa sáp nhập với Ninh Hòa.



Ông Thái Văn Chuyện, Chủ tịch Ủy Ban Mía đường của TTC cho rằng M&A tận dụng được lợi thế riêng có của mỗi nhà máy. Như trường hợp Đường Ninh Hòa sở hữu vùng nguyên liệu tốt, chi phí sản xuất thấp nhưng sản phẩm đường không có thương hiệu, trong khi thương hiệu Đường Biên Hòa có tiếng lại thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất.



Bên cạnh chuyện M&A, các công ty đường khác cũng buộc phải phình to hơn cả về quy mô nhà máy và nông trại nếu muốn giảm chi phí. Một ví dụ như Đường Quảng Ngãi, công ty này không tiến hành M&A nhưng liên tục mở rộng quy mô. Vay 640 tỉ đồng từ ngân hàng, Đường Quảng Ngãi gần đây quyết tâm đầu tư mở rộng nhà máy đường An Khê từ 12.000 lên 18.000 tấn mía/ngày. Với công suất này, dự kiến An Khê chiếm 13% tổng sản lượng đường trên cả nước (hiện tại là 8% trong niên vụ 2013 – 2014). Sản phẩm của An Khê một phần phục vụ trực tiếp cho Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy, cũng là một công ty con của Đường Quãng Ngãi.



Theo Công ty chứng khoán FPTS, một nhà máy thông thường phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên thì mới đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Chế biến Nông lâm, Thủy sản và nghề muối, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ có 5/41 nhà máy đường công suất lớn đáp ứng yêu cầu này, với tổng công suất là 49.300 tấn mía/ngày (chiếm 35,06% quy mô tổng công suất). Việt Nam cũng là quốc gia có rất nhiều nhà máy công suất nhỏ so với các cường quốc mía đường khác. Theo FPTS, tỉ lệ nhà máy đường công suất trên 10.000 tấn mía/ngày ở Việt Nam chỉ có 2,5%, trong khi con số này tại Philipines và Thái Lan lần lượt là 13,3% và 68%.



Ở khía cạnh khác, một khi các nhà máy đã mở rộng công suất thì vùng nguyên liệu cũng phải được mở rộng, hơn thế nữa, đây cũng cũng là điều kiện sống còn cho ngành mía đường Việt Nam.



Hiện nay TTC đang cho thí điểm mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đối với mía đường, trước hết là ở Phan Rang, Gia Lai. Diện tích canh tác sẽ được mở rộng đủ lớn bằng cách tập hợp lại những hộ nông dân với nhau sau đó mới có thể tiến hành thực hiện kĩ thuật canh tác hiện đại nhờ cơ giới hóa. “Nếu làm tốt, năng suất có thể tăng lên 80-90 tấn/ha, ông Chuyện cho biết. Hiện năng suất trung bình các vùng nguyên liệu của TTC ở mức 65 tấn/ha.



Một mô hình thành công nhất đối với người trồng mía Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay có lẽ là việc đầu tư trồng mía đường bên Lào của Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Với khu vực trồng tập trung quy mô lớn, kĩ thuật canh tác hiện đại, chi phí sản xuất của HAG thấp hơn 5 triệu đồng/tấn và tỉ suất lợi nhuận cao (khoảng 60%), là “đủ sức cạnh tranh với thế giới”, theo đánh giá của FPTS.



“Muốn cạnh tranh được thì phải có quy mô”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp Hội mía đường khẳng định. Dù vậy, nâng sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam không chỉ dựa vào doanh nghiệp và nông dân. Vai trò của Chính phủ là tối quan trọng trong các chính sách ban hành và thực thi của nó. “Các nhà máy đường cần một cam kết của Chính phủ thông qua định hướng quy hoạch và các chính sách”, ông Long nói.



Việt Dũng










Theo stockbiz.vn