Rút bớt số bậc thang tính tiền điện sẽ giúp cách tính giá điện đỡ phức tạp, dễ dàng hơn cho cơ quan quản lý nhưng nếu giá điện ở mỗi bậc không thấp và chênh lệch ít thì người tiêu dùng cũng khó được hưởng lợi.



Biểu giá lũy tiến - thủ phạm khiến tiền điện tăng vọt



Việc áp biểu giá điện lũy tiến 6 bậc mới từ ngày 16.3.2015 khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình đã tăng đột biến gấp 1,5 lần đến 3 lần so với trước. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc hóa đơn điện tăng lý do một phần là bởi thời tiết nắng nóng, song cách tính giá điện và biểu giá bậc thang như hiện nay vẫn còn bất cập. Việc tiền điện của các hộ dân hàng tháng chỉ dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng nay lên hơn 1 triệu đồng/tháng thì chắc hẳn là có vấn đề.



Với cơ cấu biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì nếu dùng sau 400 kWh, giá điện sẽ được tính cao hơn các mức khác khoảng 1.000 đồng/kWh, lên tới 2.587 đồng/kWh.



Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng giá điện tới 7,5%, đồng thời việc thiết kế lại bậc thang từ 7 còn 6 bậc và thu hẹp biểu giá điện thấp từ 100kWh xuống chỉ còn 50kWh ngay trước thời điểm nắng nóng là nguyên nhân chính khiến tiền điện của người dân tăng vọt.



Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN cũng thừa nhận: Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả càng cao. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Bậc thang lũy tiến thứ 6 nếu dùng từ 401 kWh trở lên có giá lên tới gần 2.600 đồng/kWh. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều tiền hơn.



Ông Tri còn ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.



“Dùng nhiều điện thì bị tính tiền điện giá cao chính là lý do mà người dân phải trả tiền điện nhiều. Trong các tháng nắng nóng, lượng điện tiêu thụ phục vụ nhu cầu làm mát của người dân tăng lên kéo theo hóa đơn tiền điện cũng tăng rất cao”, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng khẳng định.



Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng lên tiếng rằng, đến nay biểu giá có nhiều bậc thang khác khau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Biểu giá điện lũy tiến này đang quá có lợi cho EVN. Với giá điện bán ra cao như hiện nay, EVN lãi lớn còn người dân thì phải è cổ trả tiền điện.



“Tôi cũng đã nhiều lần yêu cầu xem lại biểu giá điện này vì nó gây thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng. Nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều cũng là không hợp lý, biểu giá điện lũy tiến bậc thang cao như vậy cũng không còn phù hợp với tình hình kinh doanh điện và sinh hoạt của nhân dân như hiện nay nữa” - ông Doanh nói.



Phải giảm và thu hẹp khoảng cách giá điện



Đại diện của Bộ Công thương cũng cho rằng, nếu lấy lý do khuyến khích tiết kiệm thì tất cả cộng đồng xã hội đều phải tiết kiệm chứ không chỉ “đánh” vào các hộ sử dụng điện nhiều.



Do đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo, yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực nghiên cứu, xem xét lại biểu giá và cách tính giá điện bán lẻ theo hướng có ít bậc thang hơn, và đặc biệt là phải rút ngắn được mức chênh lệch về giá tiền giữa các bậc.



Riêng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải thay đổi biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ như hiện nay, đưa biểu giá điện về chỉ còn 1 bậc thang duy nhất. Trước mắt chưa thể xây dựng được mức 1 bậc thang thì phải rút xuống chỉ còn khoảng 3 bậc.



Đại diện Cục điều tiết Điện lực cũng cho biết, đang nghiên cứu thay đổi cơ cấu giá bán lẻ điện. “Sắp tới biểu giá điện bán lẻ sẽ thay đổi theo hướng rút bớt số bậc thang từ 6 xuống 3 bậc. Điều này sẽ giúp cách tính giá điện đỡ phức tạp hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và cũng dễ dàng hơn cho cơ quan quản lý” - đại diện Cục này cho biết.



Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long cho rằng, rút số bậc thang mà không thu hẹp khoảng cách về giá và tính giá điện một cách phù hợp thì người tiêu dùng cũng khó hưởng lợi. Ông Long ví dụ: dùng từ 401 số điện hiện tại là bậc thang thứ 6 với tiền áp gần 2.600 đồng/kWh, nếu rút còn 3 bậc mà bậc 3 tiền điện lại là 5.000 đồng/kWh chẳng hạn, thì tiền điện phải trả của người dân cũng không giảm được là bao!



Chưa kể, Bộ Công Thương ngoài thay đổi biểu giá điện còn đang xem xét lại cơ cấu giá bán lẻ điện. Giá bán lẻ điện bình quân nếu tăng tiếp lên trong năm 2016 thì dù chỉ có 3 bậc tiền điện của người dân phải trả chắc chắn cũng sẽ không giảm. “Do vậy song song với sửa biểu giá điện thì các bộ ngành cũng phải tính toán cân đối điều chỉnh giá điện sao cho hợp lý, tránh thiệt thòi cho người dân” - ông Long nói.



Các chuyên gia cũng cho rằng, không nên để cho EVN tự nghiên cứu, thiết kế, đề xuất biểu giá điện rồi các bộ ban hành áp dụng mà cần phải có sự tham gia góp ý đề xuất của người tiêu dùng, các tổ chức xã hội, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp… Theo đó, Bộ Công Thương phải công khai việc sửa đổi giá điện và biểu giá điện để người tiêu dùng biết và có ý kiến trước khi ban hành áp dụng. Có như vậy thì mới có được sự hợp lý và công bằng cho cả người dân cũng như ngành điện.









Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với cơ cấu biểu giá điện 6 bậc như hiện nay, nếu dùng sau 400 kWh, thì giá điện sẽ cao hơn các mức bình quân khoảng 1.000 đồng/kWh. Do vậy, trong các tháng nắng nóng, lượng tiêu thụ nhiều sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng rất cao. Biểu giá hiện tại có nhiều bậc thang khác khau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều; lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp, như vậy chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Với giá điện bán ra như hiện nay đã cao hơn giá điện sản xuất, tức là có lãi, nên triết lý càng dùng nhiều càng phải trả nhiều không còn phù hợp. Còn nếu lấy lý do khuyến khích tiết kiệm thì tất cả cộng đồng xã hội đều phải tiết kiệm chứ không chỉ “đánh” vào các hộ sử dụng điện nhiều.



Điện lực Hà Nội cũng thống kê trong tháng 6.2015, gần 685.000 hộ sử dụng điện có mức tiêu thụ tăng từ 1,5 lần trở lên. Con số này chiếm khoảng 30% trong hơn 2,1 triệu khách hàng của EVN Hà Nội. Gần đây ngành điện ghi nhận nhiều trường hợp nhân viên của mình ghi sai số công tơ của khách hàng hoặc nhập số liệu nhầm, dẫn đến hóa đơn nhiều hộ tăng cao. Nhiều hộ gia đình tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã bày tỏ bức xúc khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến, có hộ mức tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trước. Hàng tháng, ngành điện nhận được khoảng 2.500-3.000 góp ý của khách hàng, trong đó có khoảng 200-300 ý kiến về hóa đơn tiền điện. Sau khi kiểm tra xác minh, khách hàng đã được EVN trả lời đầy đủ.









Mai Hương










Theo stockbiz.vn