TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã bày tỏ ý kiến cá nhân trước con số cảnh báo về tình hình nợ công của Việt Nam vượt xa mức mà Bộ Tài chính từng công bố trước Quốc hội.



Nợ công đang ở mức báo động



PV: -Thưa ông, Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB vừa được công bố trong đó có đề cập đến những cảnh báo đáng ngại về nợ công của Việt Nam với số nợ đang là110 tỉ USD vượt xa con số mà Bộ Tài chính đã từng công bố. Không chỉ WB mà nhiều tổ chức khác như JICA, VinaCapital… cũng đưa ra những cảnh báo về con số nợ và cho rằng vấn đề ngân sách của Việt Nam đang là mối quan ngại. Theo ông sự cảnh báo liên tiếp của các tổ chức này đang nói lên điều gì?



TS Lê Đăng Doanh: - Những cảnh báo liên tiếp này đang cho thấy một điều rất rõ ràng là tình hình nợ công của Việt Nam rất đáng lo ngại.



Thực tế không phải chỉ có Ngân hàng thế giới, Jica, và tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế đã đưa ra cảnh báo này mà ngay cả các chuyên gia Việt Nam cũng đã có cảnh báo từ lâu.



Vấn đề cho đến nay con số của Việt Nam và con số của quốc tế đưa ra còn chênh nhau nhiều chứng tỏ tiêu chuẩn để tính thế nào là nợ công giữa hai bên hiện vẫn đang còn khác nhau.



Thêm nữa sự cảnh báo này cho thấy Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ về khả năng trả nợ khó thực thi khi nền kinh tế phát triển theo kiểu 'bóc ngắn, cắn dài'.



Vì vậy chúng ta cần phải có bức tranh chính xác, sự đánh giá rõ ràng và có các giải pháp kịp thời trước khi quá muộn.



PV: - Trong khi nợ thì như vậy nhưng kết quả kiểm toán năm 2014 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra hàng loạt yếu kém, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông việc sử dụng dòng vốn tại các tập đoàn, DNNN không hiệu quả sẽ ảnh hưởng như thế nào tới khả năng trả nợ của Việt Nam? Thực tế nghĩa vụ nợ từ khối doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng là một trong những nguy cơ rủi ro lớn với nợ công cũng đã được cảnh báo.



TS Lê Đăng Doanh: - Hiện Việt Nam đang có nhiều vấn đề không chỉ về tình trạng sử dụng vốn của các tập đoàn, DNNN mà ngay cả việc chi thường xuyên, chi công và gánh nặng của bộ máy hành chính chồng chéo đang là gánh nặng cho nợ công.



Vì vậy tất cả vấn đề này cần phải được xem xét. Ngay cả chế độ xe cộ, đi công tác trong nước, ngoài nước đều phải được xem xét lại và đánh giá một cách nghiêm túc.



Ở nước ngoài không có các chế độ như vậy mà các khoản chi tiêu được tính rất chặt chẽ. Thậm chí trước kia Việt Nam cũng không có chế độ chi thoải mái như hiện nay. Vì vậy chúng ta cần phải xem xét và lấy các chuẩn mực quốc tế và cả chuẩn mực trước đây để chấn chỉnh tình hình này.



Tất cả các vấn đề từ việc sử dụng nguồn vốn cũng như cách chi tiêu nếu không được tính toán một cách chặt chẽ thì sẽ đẩy chúng ta sẽ rơi vào tình trạng rất tệ.



Bây giờ khả năng trả nợ đã rất khó mà chỉ tỉnh riêng trả lãi Ngân hàng thế giới đã tính lên tới 7,1% của GDP – vượt quá con số tăng trưởng rồi.










Theo stockbiz.vn