Một sàn thương mại điện tử giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp hàng nông thủy sản Việt Nam bán qua thị trường này hiệu quả và ổn định hơn, như mong ước của doanh nghiệp hai nước?



Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu hơn 10.000 tỷ USD sản phẩm, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vượt 500 tỷ USD… Đây là cơ hội kinh doanh lớn cho doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn có, nhưng nỗi lo lắng của doanh nghiệp Việt Nam thì còn rất nhiều…



Lo lắng “chiêu” ép giá



Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu. Cho dù hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên ngày càng phát triển, nhưng thực tế cũng gặp phải không ít khó khăn. Về cơ bản, nhà nhập khẩu Trung Quốc không biết rõ về tình hình thị trường Việt Nam, ngược lại nhà xuất khẩu Việt Nam lại không liên hệ được với các đối tác nhập khẩu Trung Quốc có năng lực và nghiêm túc – ông Lý Chấn Dân – Tham tán thương mại (Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM) nhận xét.



Nói về những khó khăn trong việc kinh doanh với doanh nghiệp Trung Quốc, ông Bùi Thanh Vân – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vân Tùng kể về tình huống “méo mặt” của mình, một lần có đối tác Trung Quốc đến thu mua nông sản xuất khẩu, “thử nghiệm” bằng một container 20 feet. Ngay sau đó, đối tác tiếp tục đặt thêm container 40 feet (khoảng 25 tấn) và chuyển tiền nhanh chóng. Những lần điện thoại kế tiếp, đối tác Trung Quốc đều khẳng định hàng đạt tiêu chuẩn và đề nghị giao hàng 2 ngày/xe container 40 feet (1 tuần 4 xe). Nhưng rồi bất ngờ qua điện thoại đối tác nói, hàng không đạt chất lượng và “lật kèo”, bán được bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu nếu không trả hàng về. Ông Vân chấp nhận lỗ hơn 300 triệu đồng lấy hàng về. Khi về đến Việt Nam mới biết đây là chiêu chơi xấu của họ, chứ hàng không hư hỏng gì. “Nếu doanh nghiệp nào mới hoặc “yếu tim” sẽ bị họ làm giá” – ông Vân bộc bạch.



Trên thực tế những năm vừa qua, tình trạng thương lái Trung Quốc vào tận vườn, cảng cá thu mua nông thủy sản đã làm xáo trộn hoạt động kinh doanh và xuất khẩu của không ít doanh nghiệp trong nước.



Ông Bùi Thanh Vân cho biết thêm, nếu năm 2012-2013, khoai môn ở miền Tây bán được giá là 15.000 – 17.000 đồng/kg thì sang năm 2014, giá chỉ còn 10.000 đồng/kg và từ đầu năm 2015 đến nay giá rớt chỉ còn 6.000 đồng/kg. Giá này không đủ tiền trả lãi vay, công thợ thu hoạch, đẩy người nông dân vào tình trạng dở khóc dở cười, vô cùng khó khăn. Xảy ra tình cảnh này, một trong những nguyên nhân là trước đó không lâu, thương lái Trung Quốc đến tận nơi khuyến khích nông dân trồng nhiều, nhưng được mùa thì họ ép giá hoặc ngừng thu mua. Không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Ngô Viết Hoài – Phó tổng giám đốc, Công ty Chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản (Bà Rịa Vũng Tàu) bức xúc, hiện có nhiều thương nhân Trung Quốc đến tận cảng cá và thu mua trực tiếp từ ngư dân Việt Nam, sau đó xuất theo đường tiểu ngạch về nước gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.



Theo các doanh nghiệp trong nước, cơ quan có chức năng quản lý phải có biện pháp ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lộn xộn này.



Lập sàn thương mại xuyên biên giới



Ông Lý Chấn Dân cho biết, dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như vải thiều, hành tím, khoai lang… xuất qua Trung Quốc thường bị trục trặc, ép giá. Ông Miao RenLai – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cho hay, hiện tượng này thường xảy ra do nông dân Việt Nam tập trung vào một số thương lái nhỏ lẻ. Những người này tự đi tìm nguồn hàng và khi cảm thấy không có lời nhiều sẽ ngừng thu mua. Cụ thể là vải thiều, có thể do năm nay Trung Quốc được mùa vải thiều thì sẽ bớt thu mua từ Việt Nam hoặc liên quan đến thời gian vận chuyển… Nếu muốn cải thiện, doanh nghiệp Việt Nam có thể sơ chế, chế biến như làm vải khô sẽ để lâu hơn và không bị ảnh hưởng bởi thời gian vận chuyển.



Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lý Chấn Dân, cần sự phối hợp và tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng 2 nước. Nên thành lập một sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc, tận dụng thế mạnh internet để nâng cao tính minh bạch thông tin. Ông Miao RenLai nói rõ hơn, trước mắt sẽ là ý tưởng về một sàn giao dịch nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long (cụ thể là Cần Thơ). Một trung tâm giao dịch nông sản sẽ giúp bán những sản phẩm nông thủy sản, trái cây… cho thương lái nước ngoài và doanh nghiệp Việt thu mua tập trung, thay vì phân tán khắp nơi theo kiểu mua bán tùy tiện, nhỏ lẻ. Sàn giao dịch cũng giúp nâng cao vai trò của nhà cung ứng và cung cấp thông tin đầy đủ cho đối tác có nhu cầu.



“Lâu nay, thương lái Trung Quốc qua Việt Nam thu mua nông thủy sản chủ yếu ở phương diện rất nhỏ, cục bộ. Nhưng thị trường Trung Quốc với dân số dân 1,3 tỷ người và khoảng 400 triệu người dùng mạng internet nếu hàng nông thủy sản Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc qua mạng, hiệu quả sẽ rất nhanh chóng và toàn diện”, ông Miao RenLai gợi ý.



Ngoài ra, ông Miao nhấn mạnh, khi xuất khẩu qua Trung Quốc, doanh nghiệp cần lưu ý tới chất lượng và uy tín của sản phẩm xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và xuất khẩu hàng giả, hàng nhái nhằm nâng cao hình ảnh sản phẩm nước này. Các hoạt động tăng cường giám sát về nguồn gốc sản xuất, kênh lưu thông và quy trình xuất khẩu cũng được áp dụng…



Phương Anh










Theo stockbiz.vn