Theo lộ trình cam kết ASEAN, từ nay đến 2018 Việt Nam sẽ cắt giảm nhiều dòng thuế về mức 0%. Theo đánh giá, ngành mía đường có thể sẽ rơi vào tình trạng khốn đốn.



Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm 2015 có hiệu lực sẽ là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập sâu rộng, toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với các nước thành viên.



Cắt giảm, xóa bỏ thuế



Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) cho biết, theo lộ trình cam kết trong ASEAN, những cam kết chuẩn bị thực thi từ năm nay trở đi sẽ nằm trong ba lĩnh vực gồm: hàng hóa, đầu tư, dịch vụ.



Trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ nay đến 2018, Việt Nam sẽ cắt giảm 7% dòng thuế nhạy cảm cao về mức 0%- 5%. Về cơ bản hầu hết các dòng sẽ về mức 0%. Hiện nay Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư về việc này.



Trong số này có những mặt hàng hết sức nhạy cảm như ô tô, mía đường, vật liệu xây dựng. Ngoài ra chúng ta phải loại bỏ 4 hạn ngạch thuế quan đối với đường, muối, trứng và thuốc lá.



Những mặt hàng trong hạn ngạch sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0-5%, còn những sản phẩm nhập khẩu không nằm trong hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế cao. Nếu nhìn vào thì mặt hàng đường sẽ rất khó khăn khi bỏ hàng rào thuế quan bảo hộ.



Về dịch vụ và đầu tư, hiện nay chúng ta đã ký với ASEAN 9 cam kết và đang đàm phán cam kết thứ 10. Trong 3 lĩnh vực trên sẽ có những cam kết sẽ tác động đến các doanh nghiệp trong nước. Tác động đến cả thị trường lao động, làm tăng dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN.



Về quan điểm cho rằng “đàm phán các hiệp định tự do hóa thương mại luôn có lợi” điều này có lạc quan quá hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Sơn cho hay: Nhìn từ góc độ kinh tế học thì tự do hóa thương mại đem lại lợi ích cho toàn xã hội, tăng phúc lợi, hiệu quả sản xuất. Tất nhiên có đối tượng lợi nhiều hơn, ít hơn, có những đối tượng bị thiệt hại.



“Việc cắt giảm thuế rõ ràng tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ những sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn. Nền sản xuất trong nước nếu sản xuất không hiệu quả sẽ bị phá sản. Nhưng đó chỉ là đối tượng nhỏ. Chúng ta phải nhìn vào lợi ích chung của xã hội”, ông Sơn nói.



Cũng theo ông Sơn, từ khi gia nhập mậu dịch tự do, hội nhập kinh tế thế giới, chính phủ đã có quan điểm rất rõ ràng đối với những ngành đươc bảo hộ đó là bảo hộ có thời hạn, có điều kiện, không thể bảo hộ mãi mãi.



Khi gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN 1998 đến nay đã được gần 20 năm, ngành đường đã được hưởng cơ chế hỗ trợ từ chương trình Một triệu tấn đường, trong suốt một thời gian dài được hưởng mức thuế bảo hộ.



“Lợi ích này chỉ dành cho mấy nghìn doanh nghiệp đường thôi, trong khi đó 90 triệu người dân chịu giá đắt gấp rưỡi giá đường thế giới. Trong ngành giải khát, bánh kẹo thì đường chiếm chi phí rất cao nguyên liệu đầu vào. Giá đường cao làm sao chúng ta cạnh tranh được với bánh kẹo Thái Lan, Malaysia…”, ông Sơn nêu ý kiến.



Tương tự đối với ô tô, theo ông Sơn chính sách của chúng ta đang có vấn đề. Năm năm gần đây chúng ta nói nhiều đến công nghiệp phụ trợ, hệ quả năng lực cạnh tranh kém. Đó là hệ quả của một quá trình chính sách trong 20 năm chứ không phải vài năm. Khi đã mở cửa tự do phải chấp nhận, không thể tiếp tục bảo hộ mãi cho ngành ô tô. Phải có cái nhìn đa chiều về hội nhập, vì lợi ích của toàn xã hội.



Dịch chuyển lao động tự do



Những cam kết về di chuyển thể nhân, tự do hóa lao động ASEAN, liệu rằng lao động nước ngoài có chiếm chỗ lao động của Việt Nam hay không?



Theo Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế, những cam kết thỏa thuận về di chuyển lao động trong ASEAN nhắm vào đối tượng lao động có kỹ năng. Hiển nhiên, sau khi có những thỏa thuận thì lao động sẽ có dịch chuyển và phải thừa nhận lao động có trình độ của chúng ta còn thiếu, kém hơn các nước trong khu vực.



Theo thống kê nước ta chỉ có 15% lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo. Trong đó chỉ có 30% lao động đại học và trên đại học. Một tỷ lệ quá thấp. Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 với những trình độ lao động như thế rất khó đạt mục đích?



“Mở cửa thị trường lao động trong thời gian tới theo chúng tôi sẽ bổ sung lao động có kỹ năng, phù hợp với nhu cầu, mục tiêu phát triển của nước ta. Trong tương lai, giáo dục của nước ta cải cách, đào tạo được nhiều kỹ sư có khả năng đáp ứng những vị trí quan trọng, lúc đó chúng ta sẽ có nhiều cách để quản lý thị trường lao động. Lao động sẽ chịu nhiều sự quản lý chứ không đơn giản chỉ cần cầm chứng chỉ nghề là có thể vào Việt Nam”, ông Sơn khẳng định.



Nói thêm về vấn đề di chuyển lao động thể nhân, đại diện bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, dịch chuyển lao động tư do mới chỉ có 8 nghề như Y, nha khoa, y tá, kiến trúc, kỹ sư, kế toán, du lịch, điều tra viên nhờ công nhận tay nghề tương đương lẫn nhau.



Theo vị đại diện, khi nói đến dịch chuyển lao động tự do, kể cả khi có khung tham chiếu rồi thì việc bảo hộ thị trường lao động của các nước đều xảy ra. Có nghĩa là “nước tôi không làm được, cần lao động bên ngoài thì anh mới vào chứ không phải muốn nhảy từ nước này nước kia. Di chuyển lao động tự do vẫn sẽ phải có giấy phép, rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường lao động trong nước.



Đổi mới chính sách quản lý



Chính phủ sẽ làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp? Ngoài những phải pháp vẫn được hay nhắc đến thì có một điểm mới, đó là cơ chế một cửa ASEAN. Nói nôm na là điện tử hóa các khâu giao dịch cho 1 lô hàng xuất khẩu. Hải quan sẽ là cơ quan đầu mối tích hợp tất cả các chứng từ vận tải, cấp phép của các bộ ngành…về tổng cục Hải quan.



Một lô hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp không cần gặp trực tiếp cơ quan quản lý mà tất cả sẽ được giao dịch điện tử về 1 đầu mối. Đó là cách hiệu quả nhất mà Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.



“Vấn đề cấp phép vẫn được hay nhắc đến nhưng không hề dễ vì để được cấp phép thường đi kèm với những tiêu cực. Tuy nhiên bây giờ chúng ta có thể điện tử hóa khâu giao dịch, nó sẽ giải quyết nhiều tiêu cực trong việc quản lý”, ông Sơn nói.



“Việt Nam có bộ ngành nào thì ASEAN có hợp tác đó nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng cơ hội đó thì đương nhiên chúng ta mất tiền mất của, cử người đi tham dự nhưng không mang về được lợi ích gì cho quốc gia”, đại diện Bộ LĐTB&XH nêu ý kiến.



Diệu Thùy










Theo stockbiz.vn