Bỏ ra khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng (0,5-0,6 tỷ USD) để đầu tư nuôi cá biển, sản lượng thu hoạch được mỗi năm sẽ đạt 200.000-250.000 tấn, thu về tương ứng 1,0-1,2 tỷ USD. Nếu đưa vào chế biến, giá trị có thể tăng gấp đôi hoặc hơn.



Đó là một trong những hướng đi mới cho thủy sản Việt Nam, được PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất nhằm tạo sức bật mới cho ngành thủy sản.



Chuyển từ khai thác sang nuôi biển



PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho hay, Việt Nam có đủ điều kiện tự nhiên và kỹ thuật để trở thành một cường quốc về nuôi biển - một trong những hướng phát triển mới, chủ đạo, đầy tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam. Việc phát triển công nghiệp nuôi biển quy mô lớn vừa giải được bài toán về nguyên liệu cho chế biến, vừa tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành, góp phần ổn định và giữ gìn an ninh trên biển.



Các kết quả do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 tiến hành 3 năm qua cho thấy, mô hình nuôi biển hiện đại cho năng suất cao, hạn chế được nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm rất lớn.



Hiện Viện đang vận hành mô hình thí điểm nuôi cá chim vây vàng và một số loài cá biển khác tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Cá được nuôi trong 12 lồng hiện đại, trong đó có 2 lồng có thể cho chìm khi bão lớn, độ bền 50 năm, hoàn toàn tự sản xuất trong nước. Với vốn đầu tư 10 tỷ đồng, sử dụng thức ăn công nghiệp, tỷ lệ cá sống từ giống đến thương phẩm đạt 85-95%, mô hình có quy mô sản lượng 250-300 tấn/năm.



Cá nuôi có giá bán tại bè là 105.000-120.000 đồng/kg. Những lô hàng cá nuôi đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ và tiêu thụ tại TP.HCM, cho hiệu quả kinh tế rất cao.



Theo tính toán sơ bộ, nếu đầu tư phần cứng (lồng bè, tàu thuyền dịch vụ, canô, máy phun thức ăn, cơ sở hậu cần trên bờ,... ) khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng (0,5-0,6 tỷ USD), thì sản lượng cá biển nuôi cho thu hoạch 200.000-250.000 tấn mỗi năm, thu về tương ứng 1,0-1,2 tỷ USD nguyên liệu cá biển chất lượng cao. Nếu đưa vào chế biến, giá trị cuối có thể gấp đôi hoặc hơn.



Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, so sánh việc phát triển công nghiệp nuôi biển với việc phát triển đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, có thể thấy phát triển công nghiệp nuôi biển rõ ràng cho hiệu quả cao hơn và ít rủi ro hơn.



Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp nuôi biển, Việt Nam cần xây dựng quy hoạch công nghiệp nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn 2050; cần ban hành một Nghị định về khuyến khích nuôi biển; những chính sách ưu đãi đầu tư và tín dụng vàcó cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp nuôi biển với công nghiệp dầu khí, quốc phòng.



Sớm lập Bộ Kinh tế Biển



Một trong những đề xuất quan trọng khác là Việt Nam cần sớm thành lập Bộ Kinh tế Biển.



Ông Dũng cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có một thể chế Nhà nước thống nhất để quản lý biển. Bộ phận có lực lượng đông đảo nhất, hiện diện thường xuyên nhất trên biển là ngành thủy sản. Với gần 5 triệu ngư dân chuyên nghiệp và nhiều triệu lao động liên quan, hơn 100.000 tàu thuyền hoạt động quanh năm trên biển, mỗi năm sản xuất hơn 6 triệu tấn thủy sản, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu gần 8 tỷ USD. Tuy nhiên, quản lý Nhà nước về thủy sản chỉ là một Tổng cục nằm trong một bộ đa ngành quản lý hàng chục lĩnh vực của hơn 7 bộ trước đây.



Tình trạng tổ chức và năng lực các cơ quan quản lý những lĩnh vực chuyên ngành quan trọng khác về kinh tế biển cũng chưa thống nhất. Chẳng hạn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ TN-MT - cũng một bộ đa ngành, quản lý 7 lĩnh vực; Cục Hàng hải nằm trong Bộ GTVT,...



Hơn nữa, tư duy, cơ sở pháp lý và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước vẫn đang bị chồng chéo và cắt khúc. Bộ NN-PTNT chỉ tập trung quản lý khâu sản xuất nông lâm thủy sản; khâu chế biến và thương mại xuất nhập khẩu vẫn 'nhường' cho Bộ Công Thương.



Vì vậy, để thực hiện Chiến lược Biển, ông Dũng cho rằng cần phải có một thiết chế quốc gia đủ mạnh, với khả năng chỉ đạo nhất quán. Đã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu thành lập cơ quan cấp Bộ chuyên trách về kinh tế biển; tên gọi có thể là Bộ Kinh tế Biển, Bộ Thủy sản và Biển, hoặc Bộ Thủy sản và Hàng hải, như mô hình tổ chức của nhiều quốc gia có biển khác.



Ngoài ra, cũng trong bản đề xuất này, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị, cần chuyển đối tượng ưu tiên từ hộ sản xuất cá thể sang doanh nghiệp; kiểm soát sản lượng bằng quota dựa trên kết quả phân tích tình hình và xu hướng của thị trường; kiểm soát chất lượng chuyển từ sản phẩm cuối sangkiểm soát toàn chuỗi; chuyển tín dụng cho thủy sản từ ngắn hạn sang trung dài hạn; chuyển việc kiểm soát rủi ro từ hỗ trợ sang bảo hiểm; chuyển phương thức phát triển thị trường từtrợ cấp sang thiết lập quỹ xuất khẩu. Đặc biệt,mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp cần chuyển từ hành chính sang đồng quản lý.



Nguyễn Hữu Dũng










Theo stockbiz.vn

View more random threads: