Đây là nhận định trong bài viết của hãng tin Bloomberg về tình hình giảm tốc tăng trưởng của Châu Á.



Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, sự tăng trưởng của các thị trường Châu Á đã hỗ trợ cho đà đi lên của kinh tế thế giới. Trung Quốc dẫn đầu xu thế này khi có tốc độ tăng trưởng hơn 9% và tác động tích cực đến nhiều quốc gia láng giềng.



Hiện nay, tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến những thị trường xung quanh và để lộ những yếu điểm của các nước trong khu vực. Như tình hình “khát” tín dụng của Indonesia đến tỷ lệ vay nợ hộ gia đình kỷ lục ở Hàn Quốc hay tình trạng quan liêu, tham nhũng cản trở các dự án cơ sở hạ tầng tại Philippin.



Theo hãng tin Bloomberg, tăng trưởng của Châu Á hiện nay thấp hơn so với những dự báo trước đó do sức mạnh trong ngành xuất khẩu bị tổn thương. Có 9 trong 12 thị trường Châu Á đã suy giảm xuất khẩu trong thời gian qua.



Tình hình tăng trưởng chậm lại, hiện đang lây lan từ Ấn Độ qua Malaysia đến Hàn Quốc, có một phần rất lớn là do tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Mức tăng trưởng quý II/2015 của Trung Quốc ước tính đạt 6,8%, thấp hơn mục tiêu 7% cho năm 2015 của chính phủ.



Một yếu tố nữa là khi Châu Á thực hiện kích thích kinh tế sau khủng hoảng 2008, khu vực này đang có tỷ lệ tín dụng ở mức cao. Tại một số quốc gia, lãi suất đã ở mức thấp kỷ lục. Vì vây, giá dầu giảm đã giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước nhưng không hỗ trợ nhiều cho chi tiêu đầu tư.



Chuyên gia Frederic Neumann của HSBC Holdings cho rằng Châu Á đã hưởng lợi từ những gói kích thích kinh tế tiền tệ lớn trong những năm gần đây và giờ những tác động này đang bắt đầu suy yếu.



Tình trạng giảm tốc tăng trưởng khiến Châu Á gặp nhiều nguy cơ từ các biến động tài chính như khủng hoảng Hy Lạp, Mỹ tăng lãi suất hay bong bóng chứng khoán Trung Quốc. Việc lãi suất tại Mỹ tăng lên có thể thúc đẩy dòng chảy thoái vốn và làm trầm trọng thêm những thách thức về tín dụng trên thị trường Châu Á.



Morgan Stanley cho rằng việc suy giảm lợi nhuận đầu tư tại Châu Á và tỷ lệ tín dụng cao có thể dẫn đến tình trạng thoái vốn trên thị trường. JPMorgan Chase ước tính rằng tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi Châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, đang giảm tốc xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2011.



Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thì Indonesia và Malaysia là 2 nền kinh tế dễ bị tổn thương và được thoái vốn nhiều nhất. Nguyên nhân là do tỷ lệ vay nợ bằng ngoại tệ của 2 thị trường này vẫn tăng bất chấp đồng nội tệ đang giảm giá trị.



Theo Bloomberg, những điểm sáng còn sót lại trên thị trường là Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi những nền kinh tế khác trên thế giới như Brazil hay Nga sẽ phải vật lộn với nhiều khó khăn.



Ngân hàng Deutsche Bank đánh giá rằng hơn 40% tăng trưởng toàn cầu đến từ các nền kinh tế Châu Á. Tuy nhiên, Capital Economics cho rằng với những rắc rối trong chính sách tiền tệ và tỷ lệ tín dụng ở mức cao, những năm tháng tốt đẹp nhất của kinh tế Châu Á có vẻ đã qua. Hãng cũng dự đoán thị trường Châu Á có thể sẽ không có sự phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.



Hoàng Nam - Theo Bloomberg










Theo stockbiz.vn