Áp lực nhập siêu lớn và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại ngày càng trở nên đáng lo hơn đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi nguy cơ hiện hữu là các tác động đến tỷ giá, tới ổn định kinh tế vĩ mô và cả tăng trưởng kinh tế.



Áp lực này trên thực tế đã xuất hiện từ những tháng đầu năm 2015, nhưng ngày càng trở nên nặng nề hơn, nhất là sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, nhập siêu 6 tháng đầu năm ước tính 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu, trong khi xuất khẩu ước đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn mục tiêu đề ra và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng 14,9% của cùng kỳ năm ngoái.



Câu chuyện nằm ở chỗ, nếu diễn biến này tiếp tục, thì nền kinh tế sẽ đối mặt với những thách thức lớn trong nửa cuối năm nay. Đó là những tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế, tới dự trữ ngoại tệ và tỷ giá.



Áp lực lớn đến nỗi, Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ tăng mạnh trở lại của nhập siêu. Thậm chí, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia còn cho rằng, nhập siêu cùng với xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015, cũng như trong năm 2016.



Hơn thế, vấn đề còn nằm ở chỗ, trong khi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - kể cả dầu thô) xuất siêu gần 6,07 tỷ USD trong 6 tháng qua, thì khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 9,82 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu của hai khu vực này tiếp tục ở hai chiều đối nghịch: khu vực FDI tăng 15,3%, còn khu vực trong nước giảm 2,9%.



Sự phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI lại khiến dư luận dấy lên những băn khoăn. Đành rằng những đóng góp của khu vực FDI là đáng trân trọng, nhưng sự yếu kém của khu vực trong nước là điều không cần phải bàn cãi. Doanh nghiệp nội yếu, không thể có một nền kinh tế tự chủ, có sức cạnh tranh lớn, đấy là điều đáng bàn.



Một khía cạnh khác, khi căn bệnh trầm kha nhập siêu quay trở lại sau 3 năm có xuất siêu, dư luận hiểu rằng, những điểm yếu liên quan đến cơ cấu của nền kinh tế chưa hề được khắc phục. Vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên, vật liệu nhập khẩu, nên khi kinh tế phục hồi thì một cách đương nhiên, nhập siêu quay trở lại.



Việt Nam bước vào năm 2015 đầy hứng khởi, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, với nhiều kỳ vọng về thúc đẩy đầu tư và thương mại. Tất nhiên vẫn còn những vấn đề liên quan đến độ trễ chính sách, nhưng nhìn vào xu thế tăng trưởng xuất khẩu giảm, nhập siêu tăng, không phải không có lý khi quan ngại doanh nghiệp Việt không nắm bắt được cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Ngược lại, có khi lại là “nguy”.



Bởi vậy, nhiệm vụ của nền kinh tế trong những tháng cuối năm và cả những năm tiếp theo là làm sao thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập siêu.



Nhập siêu được dự báo sẽ căng thẳng hơn trong nửa cuối năm, khi kinh tế tiếp tục phục hồi vững chắc hơn. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 165 tỷ USD, 6 tháng cuối năm phải đạt từ 87,3 tỷ USD trở lên (bình quân 1 tháng phải đạt 14,55 tỷ USD), cao hơn mức 77,75 tỷ USD của 6 tháng đầu năm (bình quân 1 tháng đạt 12,95 tỷ USD). Đây là những áp lực rất lớn.



Giải cứu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản chỉ là chuyện trước mắt. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cũng tương tự. Về lâu dài, phải là những giải pháp căn cơ liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đến việc làm sao giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành mang lại.



Hà Nguyễn












Theo stockbiz.vn